Tính tới trung tuần tháng 11, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 6,9 triệu tấn gạo, trị giá FOB khoảng hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu những ngày qua tiếp tục giảm thêm từ 5 – 10 USD/tấn trong khi nhu cầu thế giới vẫn rất trầm lắng, các doanh nghiệp hầu như không ký được thêm hợp đồng tiêu thụ mới cho quý 1.2013.
Thiếu hợp đồng xuất khẩu cho quý 1/2013, các doanh nghiệp đang loay hoay gỡ khó (ảnh: Kho gạo phục vụ xuất khẩu tại Hậu Giang). |
Hợp tác hạ giá thành sản xuất
Ông Lâm Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng, những năm qua Việt Nam xuất khẩu gạo được với giá cao vì thị trường xuất khẩu gạo chưa có nhiều “ông lớn” như Ấn Độ, Pakistan… tham gia.
Trong khi đó, hiện nay nguồn cung gạo cho thế giới rất nhiều, các nước xung quanh Việt Nam như Myanmar, Philippines cùng nhiều quốc gia khác đặt tham vọng xuất khẩu gạo với số lượng lớn, giá thành hạ. Lúa gạo Việt Nam do đó cũng phải tuân theo các quy luật trong cạnh tranh toàn cầu.
Trước tình hình đó, ông Tuấn lo ngại giá thu mua lúa trong vụ đông xuân tới có thể sẽ tiếp tục giảm xuống mức 5.000 đồng/kg thay vì 6.000 đồng/kg như hiện nay. Để nông dân có lãi cũng như doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới, ông Tuấn cho rằng, trước hết cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để hạ giá thành sản xuất xuống dưới mức 3.500 đồng/kg trong vụ đông xuân tới.
“Hiện nay giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn còn cao do hao hụt lớn, sâu bệnh hại nhiều, các kỹ thuật bảo quản, chế biến còn hạn chế nên giá thành vẫn ở mức cao. Do đó, nhà nước cùng với doanh nghiệp cần tăng cường hỗ trợ nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất thì mới có thể cạnh tranh được trên trường thế giới” - ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho rằng, để hạn chế cạnh tranh trên thị trường gạo cấp thấp với rất nhiều nguồn cung, số lượng lớn trong năm tới, ngành nông nghiệp nên định hướng cho bà con sản xuất lúa chất lượng cao, nhất là lúa thơm để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Siết chặt đầu mối xuất khẩu gạo
Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công Thương mới đây, ông Phong cũng đã đề xuất Bộ xem xét, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tăng cường siết chặt các đầu mối tham gia xuất khẩu gạo.
Theo đó, cần điều tra, rà soát lại năng lực của các thương nhân đã được cấp phép xuất khẩu gạo trong thời gian qua. “Các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận nhưng không đạt thành tích xuất khẩu 10.000 tấn gạo/năm sẽ bị rút giấy phép để cấp cho các doanh nghiệp khác đủ điều kiện. Việc này sẽ giúp chọn lọc, quy hoạch lại các thương nhân có đủ năng lực kinh doanh, có khả năng tiếp cận và phát triển thị trường trong hoạt động xuất khẩu gạo” - ông Phong cho biết.
Cùng với việc siết chặt đầu mối xuất khẩu gạo, đại diện VFA cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại quốc gia, nhất là với các nước khu vực châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên để ký kết các thỏa thuận thương mại gạo theo những hợp đồng Chính phủ, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian, tạo điều kiện ổn định thị trường và nâng cao hiệu quả. Trước mắt xúc tiến để ký nhanh hợp đồng cung cấp gạo với Cộng hòa Guinea, giải quyết một phần lượng gạo đầu vụ đông xuân tới.
“Nếu đẩy mạnh các hợp đồng tập trung thì sẽ ổn định được thị trường tư nhân, hạn chế tình trạng bán phá giá của những doanh nghiệp làm ăn chộp giật” - ông Hồ Minh Khải – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) đồng tình.
Thuận Hải