Dân Việt

Cung vượt cầu, phân bón giảm giá

30/11/2012 10:09 GMT+7
(Dân Việt) - Dù nông dân vùng ĐBSCL đang bắt đầu gieo sạ vụ đông xuân mới 2012 - 2013 nhưng giá phân bón có xu hướng giảm nhẹ trong những ngày qua.

Tại các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang…, giá các loại urê phổ biến ở mức 9.000 - 9.500 đồng/kg, giảm từ 300 - 500 đồng/kg so với hồi đầu vụ hè thu. Cụ thể, giá urê Trung Quốc bán 460.000 - 470.000 đồng/bao 50kg, urê Cà Mau 480.000 - 490.000 đồng/bao. Phân kali có giá dao động từ 9.700 - 10.000 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg. Phân DAP các loại cũng giảm nhẹ, còn ở mức 14.000 - 14.300 đồng/kg. Phân NPK cũng có giá dao động từ 11.200 - 11.500 đồng/kg.

Theo giải thích của ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón trong nước thời gian qua giảm mạnh là do nguồn cung đang vượt cầu, nhất là mặt hàng phân đạm urê. Theo đó, nếu các nhà máy Đạm Cà Mau, Phú Mỹ, Hà Bắc và Ninh Bình hoạt động ổn định với công suất thiết kế thì tổng sản lượng urê sản xuất trong những tháng cuối năm dự kiến đạt khoảng trên 550.000 tấn.

"Cộng với lượng hàng đang tồn kho khoảng 140.000 tấn và lượng hàng nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm thì tổng lượng cung phân bón trong cả nước đạt khoảng 850.000 tấn. So với nhu cầu thực tế sẽ thừa khoảng 300.000 tấn" - ông Thúy khẳng định.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng phân urê ước đạt trên 1,3 triệu tấn, tăng trên 59%, phân lân đạt 1,3 triệu tấn, tăng gần 12%, phân DAP ước đạt 230.000 tấn, tăng 100% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến giữa tháng 11, lượng phân bón nhập khẩu đạt gần 150.300 tấn, tăng khoảng 25.000 tấn so với cùng kỳ tháng 10.

Bộ Công Thương dự báo, năm 2013 sản xuất nông nghiệp của nước ta sẽ cần khoảng 10,3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, sản xuất trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu một số loại phân bón như urê, NPK, phân lân. Riêng đối với mặt hàng phân kali, dự báo nhu cầu năm 2013 cần khoảng 950.000 tấn, phần lớn là phải nhập khẩu do vậy giá cả thường không ổn định.