Trong những gương mặt đó, họa sĩ Lưu Công Nhân có một đời sống hội họa phong phú hơn cả. Ông vẽ nhiều thể loại, nhiều đề tài, nhiều trường phái, từ hiện thực, ấn tượng, biểu hiện cho đến cả trừu tượng. Cuộc đời của ông là những chuyến đi và vẽ không ngừng nghỉ. Có lẽ vì thế, trong kho tàng đồ sộ tác phẩm của ông thì phong cảnh và con người là hai mảng tranh thành công nhất, dấu ấn riêng của ông cũng đậm nét nhất.
Ít ai nhìn thiên nhiên, nhìn đồng quê, ngõ xóm lãng mạn và tình tứ như Lưu Công Nhân. Những hàng cây xoan khi đông về, những ngõ nhỏ trong làng vương khói bếp, một quán nước nép mình bên đường quốc lộ, một buổi cày lúc bình minh… tất cả vào tranh ông duyên dáng và sinh động lạ kỳ. Dường như không hẳn ông mô tả cái ông nhìn thấy, mà cộng vào đó, có lẽ quan trọng hơn, ông vẽ cái mà ông nâng niu trong tâm tưởng. Chính bút pháp và bảng màu của ông là ưu thế để giãi bày điều này trên mặt tranh. Đó cũng là ưu thế để ông sử dụng trong hàng trăm bức vẽ con người, từ chân dung đến toàn cảnh, làm việc, nghỉ ngơi, giấc ngủ, khỏa thân.
Lưu Công Nhân vẽ ai thì cũng bằng tất cả sự trìu mến của mình, những đứa trẻ mắt đen nhánh một dấu hỏi hồn nhiên, những cụ ông, cụ bà cười tủm tỉm, rồi những chàng trai áo lính ngồi nghỉ bên vạt lau dọc đường hành quân… Tất cả đều ắp đầy yêu thương, trân trọng. Điều này càng đặc sắc hơn ở loạt tranh thiếu nữ của ông. Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, dường như đây là đề tài mà ông không bao giờ lơi lỏng. Phụ nữ có mặt trong hội họa của ông cho đến tận cuối đời.
Ông vẽ những cô gái chốn thành thị ra thành thị, điệu đàng với một chút kiêu sa, một chút gợi dục vừa độ, nhưng hình như ông còn trìu mến hơn với những cô gái nông thôn. Ông vẽ họ bao giờ cũng bằng những nét bút tinh tế và khúc triết, bằng những gam màu êm, chuyển sắc một cách kín đáo, để lột tả cho được vẻ đẹp thân thể của các cô thôn nữ căng tràn nhựa sống, e ấp trước một khát vọng thầm kín. Cùng với những bức phong cảnh miền quê, những thửa ruộng, rặng tre, những cô thôn nữ của ông như một phần cuộc đời ông, như nơi chốn để ông lui về mỗi khi nản lòng. Ông nâng niu nơi chốn nấy cũng là để ông vỗ về chính mình.