Nhưng con người không bao giờ quên những chiếc bè. Có nhà du lịch người Anh bỏ tiền của công sức khôi phục lại một chiếc bè Sầm Sơn y chang bè người Việt cổ để vượt biển Thái Bình Dương là một ví dụ về sự trường tồn tinh thần của chiếc bè. Không những hình ảnh mà thực thể bè nứa, mảng luồng vẫn sống, vẫn được con người sử dụng cho đến ngày nay.
Trung Quốc xâm lược trên biển cậy vào sức mạnh của tàu chiến và tàu bọc thép. Họ lấy tiền thuế của nông dân Trung Quốc, vơ vét từng miếng thịt trên mâm cơm của hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc để đóng tàu các loại, thực hiện giấc mơ ngông cuồng và “buồn cười” (như một học giả Mỹ nhận xét) chiếm trọn Biển Đông. Họ hy vọng hão huyền thực hiện giấc mơ “Đại Hán hải tặc” chỉ bằng hai công cụ- bút chì (để vẽ đường lưỡi bò) và tàu chiến.
Hàng trăm tàu hiện đại Trung Quốc đã thực sự tham gia vụ cướp lớn 2 tháng nay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta. Họ đã đâm va hàng trăm lần, gây hư hỏng hàng chục tàu, làm bị thương nhiều người của ta. Ho tưởng thịt có thể đè được người. Họ tưởng dân Việt Nam đang nghèo, đang yếu là có thời cơ bắt nạt mà quên rằng trong 13 cuộc Trung Quốc xâm lược nước ta, họ phải ôm đầu máu chạy về.
Họ chỉ nghĩ đến tàu thép, tên lửa cộng với mưu mô xảo trá và sự lì lợm. Họ quên bên cạnh tàu còn có bè, quên hàng triệu ngư dân Đại Việt trải dài 3.000 cây số bờ biển nhất quyết không chịu và không thể để mất nồi cơm của gia đình, danh dự của xã tắc cho kẻ xâm lăng. Họ chỉ mới có một hai chiếc hàng không mẫu hạm nhưng chúng ta có hàng ngàn cây số bờ biển không thể đánh chìm với địa thế “sơn hà bách nhị do thiên thiết” (nơi hai người địch được trăm người do trời cho – thơ Nguyễn Trãi). Không biết mèo nào sẽ cắn mửu nào. Sách Trời đã viết sẵn cho tương lai Đại Việt: Cuối cùng, kẻ xâm lược chỉ có thất bại mà thôi.
Hàng triệu ngư dân vẫn vững chãi tâm tư ra khơi với đoàn thuyền gỗ cổ truyền. Chính phủ vừa hỗ trợ họ đóng thêm tàu sắt. Một tập đoàn kinh tế đang triển khai kế hoạch mua cả trăm con tàu hiện đại của nước ngoài để ra khơi đánh cá và giữ biển trời quê hương. Chắc chắn sẽ có những nhà đầu tư yêu nước khác, dám dấn thân mà không sợ rủi ro khi sơn hà nguy biến. Liệu hạm đội cướp biển mang cờ 5 sao có dám và có thể đánh đắm hay va húc hàng ngàn tàu và bè của dân đánh cá trên vùng biển chủ quyền của họ trong một cuộc đối đầu trường kỳ, vô thời hạn? Sự thức tỉnh đã bắt đầu và dưới góc độ lịch sử, cái giàn khoan quái vật của kẻ cướp đã có tác dụng tích cực nào đó đối với dân ta. Ít nhất nó cũng đã giúp dân ta nhận mặt thật của bạn của thù, vứt bỏ thứ “hữu nghị viển vông” lừa mị nhiều năm. Như Lão Tử từng nói: “Tương dục phế chi tất cố hưng chi” (Muốn làm tàn hại người ta tức là đang làm người ta hưng thịnh lên đó).
Chúng ta có cả tàu thép, tàu gỗ bè luồng tre nứa. Miễn là lãnh đạo đừng chồn chân thì dân sẽ không bao giờ mỏi gối trong cuộc trường chinh chống xâm lược như bao đời nay vẫn chứng minh điều đó. Hãy tin vào dân trước đã! Và hãy làm dân tin với những câu nói đinh đóng cột lịch sử: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Không được khi dân, đánh mất dân dù viện bất kỳ lý do gì. Dân còn thì sông núi biển cả mãi mãi còn!