Quê Thái Bình, lên Hà Nội theo học trường Đại học Luật, cô sinh viên nhan sắc hơn người Vũ Thị Duyên Quỳnh (35 tuổi) ngày đó đã phải lòng người đàn ông tên Định, đã qua một đời vợ, đang nuôi con nhỏ, là chủ một garage ô tô.
Hàng ngày, cô sinh viên được "đại gia" đưa đón bằng ô tô. Rồi Quỳnh bỏ dở việc học hành để làm đám cưới với ông Định, về làm quản lý cho công ty của chồng.
Cuộc sống hôn nhân của Quỳnh không được hạnh phúc như cô vẫn mơ tưởng. Những mâu thuẫn mỗi ngày một lớn trong tổ ấm của Quỳnh khi đứa con riêng 4 tuổi của chồng trở thành cái gai trong mắt cô vợ trẻ.
Tình yêu đối với chồng, sự ích kỷ đố kị đối với đứa con riêng của chồng đã biến Quỳnh thành người mẹ ghẻ ác độc.
Sau khi sinh con được 3 tháng, sự đố kị, ghen tuông với con chồng trong Quỳnh ngày càng lớn. Một buổi chiều năm 1998, Quỳnh nhờ người trông con, lấy xe chở theo con chồng đi về phía cầu Thăng Long.
Đến giữa cầu, Quỳnh ném cô bé vô tội xuống sông Hồng. Dòng sông ngầu đỏ, dữ tợn đã cuốn theo đứa bé vô tội...
Vũ Thị Duyên Quỳnh.
Giải thích cho hành động dã man của Quỳnh, có người cho rằng vì cô ta quá ác độc, ích kỷ, cũng có người nói rằng, vì Quỳnh mắc chứng trầm cảm sau sinh... Sau tội lỗi gây ra, Quỳnh bị TAND TP.Hà Nội tuyên án tử hình.
Ngày 21.12.1999, Quốc hội thông qua Nghị quyết 32/1999 về việc thi hành Bộ luật Hình sự. Theo đó, kể từ ngày 1.7.2000, không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Trong trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên nhưng chưa thi hành, thì không thi hành nữa và được chuyển xuống hình phạt cao nhất mà Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi phạm tội đó.
Vậy là người mẹ đang nuôi con nhỏ như Quỳnh đã được "tái sinh", chỉ phải chịu án tù chung thân thay vì mức án tử hình được tuyên trước đó.
Bản án lương tâm
Quỳnh kể, cô ta đi tù được chừng 8 năm thì chồng đi thêm bước nữa. Trước khi đến với "người mới", chồng Quỳnh vào trại giam thăm vợ.
"Anh ta nói lấy vợ vì muốn kiếm đứa con trai. Tôi nói rằng, nếu anh tìm được người vừa ý, có thể hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của anh thì cứ đến với người ta. Khi nói những lời đó tôi nghĩ mình sẽ không có ngày về", lời kể của Quỳnh.
16 năm thanh xuân trôi qua sau song sắt trại giam, vì cải tạo tốt nên Quỳnh được giảm án. Và theo tính toán của phạm nhân này, chỉ còn vài tháng nữa là cô ta được tự do.
Những tưởng niềm vui vỡ òa với người phụ nữ đó, nhưng không - quá khứ nặng nề đeo bám, ám ảnh khiến Quỳnh thậm chí không còn hào hứng nghĩ đến ngày về...
Quỳnh bảo, thời gian đã quá lâu nhưng cô vẫn không muốn nhắc lại chuyện cũ, thậm chí không còn muốn nhớ về quá khứ u tối của mình. Ngày gây tội cô mới 19 tuổi, giờ sức khỏe suy sụp, nhan sắc tàn phai. Quỳnh thở dài khi nhắc đến ngày về.
Nhìn xuống bàn tay có xăm chữ "Định... ơi!!!!", Quỳnh cho biết, hồi mới bị bắt, cô xăm tên chồng vì nỗi nhớ cồn cào dành cho người đàn ông một thủa cô đã yêu điên cuồng. "Bây giờ thì tình cảm đã phai nhạt rồi", Quỳnh nói.
Tình yêu đẹp, nhưng cái kết quá bi thương, kiều nữ thủa nào giờ chỉ còn là một người đàn bà mệt mỏi, đôi mắt thẫn thờ, bất cần, chán nản, không thiết đến bất cứ điều gì...
16 năm ngồi sau song sắt trại giam để trả giá cho tội ác đã gây ra không phải là hình phạt đau đớn nhất đối với Quỳnh. Có lẽ bản án lương tâm, quá khứ tội lỗi đeo bám, bản thân phải xa cách con mới là những điều khủng khiếp nhất...