Dân Việt

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài: Người đi về phía "Chiều chiều"

Nguyễn Thụy Kha 07/07/2014 06:30 GMT+7
Nhà văn lớn Tô Hoài đã ra đi vào trưa ngày 6.7. Toàn giới văn học - nghệ thuật nước nhà nghiêng mình tiễn đưa người tài danh đất nước sang cõi bên kia ở tuổi 95.

Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27.9.1920 tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhưng tuổi trẻ của ông lại gắn liền với làng Nghĩa Đô – lúc ấy là ngoại thành Hà Nội. Ông vào nghề văn rất sớm và đã cực kỳ nổi tiếng với tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” năm 1940. Và từ đấy, lẫy lừng trên văn đàn Việt Nam cho tới tận hôm nay.

Tuổi thơ của bao thế hệ Việt Nam không ai là không ảnh hưởng văn chương Tô Hoài. Tuổi thơ của tôi cũng không ngoài quỹ đạo đó. Tôi nhớ từ khi còn rất nhỏ, tôi đã đọc say mê “Dế Mèn phiêu lưu ký” siêu phàm của ông. Bên cạnh đấy còn là những “Chuột thành phố”… và trộn giữa những tác phẩm trước cách mạng là những “Vừ A Dính”, “Tìm mẹ”… của thời cách mạng.

Tác phẩm của Tô Hoài lay thức trong đời sống chúng tôi vừa kỳ thú, vừa bừng sáng một cách khó tả. Giữa lúc cả miền Bắc đang chộn rộn công cuộc dựng xây, hối hả cuộc di dân để “Núi rừng sẽ tiến kịp miền xuôi” (lời ca của Hoàng Vân), “Chuyện Tây Bắc” ra đời và được dựng thành phim với ca khúc “Bài ca trên núi” hấp dẫn của Nguyễn Văn Thương mà ca từ do chính Tô Hoài viết:

Ở đầu trời có sao chiều sao sớm

Rừng núi kia có ở hai người, hai người yêu nhau

Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi

Trời chỉ có sao sớm sao chiều

Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau.

img

 

img
Ảnh chụp năm 2000.

“Chuyện Tây Bắc” là một điểm sáng của điện ảnh Việt Nam, còn tiểu thuyết “Miền Tây” của Tô Hoài thì được giải của Hội Nhà văn Á – Phi vang dội một thời.

Trở về Hà Nội những năm tháng thanh bình sau ngày thống nhất, cùng với sự gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, tôi được gặp Tô Hoài. Không khác mấy trong tưởng tượng, tôi đã gặp được một đàn anh lớn trong văn đàn nhưng hết sức xuề xòa, dung dị.

Tô Hoài là một tầm vóc coi thường sự làm dáng, đỏng đảnh. Ông mê sáng tạo và mê ẩm thực. Những cuộc rượu với ông ở các quán Hà Nội đều luôn là những cuộc rượu lý thú bởi giọng điệu hóm hỉnh của ông. Tô Hoài là một trong những văn nghệ sĩ có cá tính uống rượu một hơi. Ông không nhấm nháp. Uống chén nào ra chén đó.

img

Ảnh chụp ngày 5.9.2003.

Càng gần ông tôi càng cảm nhận được một điều, làm nghề văn chương không nên phách lối, tỏ vẻ. Cứ lặng lẽ dâng hiến cho đời như con ong cần cù chăm chỉ. Với số lượng ngót 200 đầu sách, ông để lại cho mọi lứa tuổi từ thiếu nhi tới người lớn, chính là sự minh chứng đầy thuyết phục về sức lao động phi thường của một nhà văn, lấy nghiệp cầm bút làm nghề.

img Ảnh chụp năm 2010.

Tuy là một trong những người sáng lập Hội Văn hóa Cứu quốc, Tô Hoài luôn có cách nhìn biện chứng về sự biến chuyển của cách mạng cả mặt tích cực và phần hạn chế của nó. Vào cuối thế kỷ cũ và đầu thế kỷ mới, ông đã cho ra những siêu phẩm như “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều”, “Ba người khác” làm chấn động dư luận về tính chân thực đến rớm máu của một thời đại không thể không nhắc đến. Tuy được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 – 1996, Tô Hoài vẫn nguyên chất là một nhà văn không “xu thời”, “cơ hội”. Ông luôn coi trọng sự phát ngôn hướng về dân tộc với cả những xót xa, đau đớn. Ông lớn là bởi xác tín đó.

img 
Ảnh chụp năm 2012.

 

Một kỷ niệm với ông mà tôi không bao giờ quên. Đó là lần gặp ông tại Trại sáng tác Đà Lạt. Hình như lúc ấy, Tô Hoài lên Đà Lạt để hoàn chỉnh “Chiều chiều”. Bữa đó, tôi và ông uống khá say. Ông nói với tôi bằng cả tấm lòng: “Là nhà văn, là văn nghệ sĩ, cái lớn nhất dù ở đâu, dù ở bên nào cũng không được bẻ cong ngòi bút. Tuy nhiên, phải biết cầm thẳng ngòi bút ở thời điểm nào”. Tôi đã học ông và cầm bút như ông.

Cũng bữa đó, tôi có ý khi nào về Hà Nội, sẽ mời ông tới nhà để vợ tôi nấu một bữa phở đặc biệt cho ông thưởng thức. Vợ tôi vốn nấu phở rất ngon. Tác giả “Chuyện cũ Hà Nội” nhoẻn cười: Phở ở cái đất kinh kỳ này, chỗ nào mà ông chưa thưởng thức.

Nhưng nói vậy và thời gian cuốn trôi. Có lần gặp lại, ông lại hỏi tôi hóm hỉnh: “Bao giờ Kha cho tôi ăn phở của vợ cậu nấu?”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà thời gian và công việc vẫn làm tôi chưa thực hiện được lời hứa với ông. Cho đến cả hôm nay, khi ông đã đi về phía “Chiều chiều”, tôi vẫn mắc nợ ông. Biết làm sao được, mong “Cụ dế mèn” ngàn lần tha thứ cũng như mong khi đã chuyển cõi an lành, ông luôn phù hộ cho anh em chúng tôi và luôn nhớ tôi còn nợ ông một bữa phở ngon ở chốn dương gian.

(Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Toán)