Thành công lớn nhất sau 3 năm xây dựng NTM của Vĩnh Phúc là gì, thưa ông?
- Thành công lớn nhất chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, trong đó nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân được chuyển biến rõ rệt, góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM trở thành một phong trào rộng khắp.
Sau 3 năm xây dựng NTM, diện mạo các vùng nông thôn của Vĩnh Phúc đã thực sự thay da đổi thịt, đường giao thông, thủy lợi cơ bản được cứng hóa; hệ thống lưới điện, viễn thông đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân... Hiện, Vĩnh Phúc đã có 20 xã đạt 19/19 tiêu chí, 45 xã đạt từ 10 – 17 tiêu chí, 47 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí, trung bình đạt 11,27 tiêu chí/xã…
Bên cạnh đó, các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được thay đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, nhờ đó đã giúp sản xuất phát triển, thu nhập của nông dân tăng lên. Nếu năm 2010, thu nhập của người dân đạt bình quân 17 triệu đồng/người/năm thì năm 2013 đã đạt 27 triệu đồng.
Ông có thể chia sẻ về những “bí quyết” của địa phương để có được những thành công đó?
- Không có bí quyết nào là hoàn hảo và có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Bài học kinh nghiệm của chúng tôi là tôn trọng nguyên tắc dân chủ, minh bạch, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Năm 2011, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, chúng tôi vẫn khá lúng túng, vì vậy việc triển khai còn hạn chế.
Năm 2012, tỉnh quyết định đưa bí thư vào làm trưởng ban, trưởng tiểu ban từ tỉnh đến xã, thôn nên đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là mô hình bí thư kiêm chủ tịch ở huyện Yên Lạc, Sông Lô làm trưởng ban xây dựng NTM phát huy hiệu quả rất tốt. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, Vĩnh Phúc đã xây dựng hệ thống chính sách sát với thực tế, trong đó có 44 nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Về cán bộ, chúng tôi lựa chọn những người có năng lực, tâm huyết, nhiệt tình. Về thực hiện, phải tuân thủ theo quy chế dân chủ, bàn bạc với dân từ quy hoạch đến thực hiện để thu hút nhiều người cùng tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Những khó khăn cụ thể là gì, thưa ông?
- Trở ngại hiện nay đối với Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác là việc quyết toán kinh phí còn phức tạp.
Theo quy định tại Chỉ thị 13 ngày 25.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước chỉ cấp vốn cho các dự án được ký trước ngày 31.10.2013, các dự án sau đó chỉ bố trí vốn khi đã xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, vì thế rất nhiều công trình, dự án đang gặp khó.
Ngoài ra, một bộ phận cán bộ và nhân dân trên địa bàn vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chương trình NTM nên vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số tiêu chí cũng chưa phù hợp với từng vùng miền cụ thể, như thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa...
Xin cảm ơn ông!