Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận vụ việc Trung Quốc bắt giữ 6 ngư dân của Việt Nam. Mức độ nguy hiểm phía sau hành động này như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những hành động ngang ngược và vô nhân đạo như vậy đối với ngư dân Việt Nam. ¼ thế kỷ nay, Trung Quốc thường xuyên bắt tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam khi tàu Việt Nam đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những tàu thuyền bị phía Trung Quốc bắt giữ trong nhiều năm qua, chưa có tàu Việt Nam nào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc cả. Điển hình là năm 2007, 2009, song song với hành động bắt giữ, Trung Quốc còn đánh đập dã man những ngư dân Việt Nam.
Những hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc đã vi phạm kép. Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền đụng đến ngư dân Việt Nam khi ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm luật khi tịch thu dụng cụ của ngư dân và đánh đập dã man những ngư dân này, vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động Trung Quốc dùng vũ lực bắt giữ, đánh đập, uy hiếp tàu cá và ngư dân Việt Nam là hành động vô cùng nguy hiểm, vô nhân đạo và là hiện tượng cực kỳ xấu trong quan hệ quốc tế.
Thưa Thiếu tướng, theo những thông tin do chính quyền địa phương Quảng Ngãi cung cấp, vị trí những tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ nằm ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang gây hấn ở cả những vùng biển thuộc ngư trường truyền thống của chúng ta?
- Trước hết, tôi muốn thay thế cách gọi “ngư trường truyền thống” thành vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta vẫn đang sử dụng cụm từ “ngư trường truyền thống” này và thực tế, Trung Quốc đã lợi dụng khái niệm đó để lập lờ và vu cáo chúng ta khi họ cũng cho rằng đó là những “ngư trường truyền thống của họ”. Ở đây rất rõ ràng, vùng biển mà ngư dân Việt Nam đang đánh bắt dưới sự cho phép và quản lý của kiểm ngư Việt Nam đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế và nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ thế này, khi tôi đang hái quả trong vườn nhà mình, hàng xóm chạy đến xua đuổi, ngăn cản thậm chí dùng vũ lực đối với tôi. Trong trường hợp đó, trước tiên là phản đối, phản đối quyết liệt sự vô lý của ông hàng xóm này, để ngăn chặn những hành động tương tự tiếp diễn và để thức tỉnh những người hàng xóm khác.
Trong trường hợp của Việt Nam cũng vậy, chúng ta có bằng chứng về chủ quyền, quyền tài phán đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, dù Trung Quốc có ngang ngược đến đâu, họ cũng không có chính nghĩa, chúng ta không có gì phải sợ Trung Quốc.
Nhiều nhận định cho rằng, hành động bắt giữ ngư dân vừa là chiến thuật nắn gân để thử sức chịu đựng của Việt Nam, vừa thể hiện sự bất chấp của Trung Quốc?
- Có một thực tế thế này, nếu Việt Nam lùi thì Trung Quốc lấn tới, nếu chúng ta vững vàng, thì Trung Quốc phải chùn bước. Điều mà Trung Quốc sợ Việt Nam nhất đó là tính chính nghĩa của chúng ta. Theo đánh giá của cá nhân tôi, vì chúng ta phản đối chưa đủ mạnh, nên những hành động lấn tới của Trung Quốc đều dựa theo phản ứng của Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc liên tục gây hấn với Việt Nam, song chưa bao giờ Trung Quốc lại dám liều lĩnh, hung hăng một cách trắng trợn bất chấp luật pháp, đạo lý như hiện nay. Tiếp nối hành động đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, điều tàu thuyền đến chủ động đâm va, bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam, nổi bật nhất là việc Trung Quốc đã cho xuất bản và công bố rộng rãi tấm bản đồ chủ quyền của họ trên đất liền và trên biển, ông khai hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, hay là “đường chữ u”, trước đây là 9 đoạn và nay là 10 đoạn đứt khúc bao chiếm gần hết Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhồi nhét vào đầu hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc rằng họ có chủ quyền vùng biển bao quanh đường lưỡi bò. Đó là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm của họ trong việc chuẩn bị cho âm mưu độc chiếm Biển Đông. Đó như một mệnh lệnh bắt buộc hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc phải chấp hành.
Nếu những phản ứng như hiện nay của Việt Nam là chưa đủ mạnh, liệu việc Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế có thể giải quyết tình hình hiện nay?
- Tôi không phản đối biện pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là giải pháp cuối cùng. Điều cần làm hiện nay phải lên tiếng phản đối Trung Quốc ở cấp cao hơn nữa. Chúng ta đã đền bù cho những doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan về những thiệt hại trong cuộc bạo loạn vừa qua, tại sao chúng ta lại không yêu cầu Trung Quốc đền ngược lại cho ngư dân Việt Nam khi tàu của họ đã đâm chìm, làm hỏng tàu cá của ta?
Trở lại với vấn đề tại sao chúng ta chưa kiện Trung Quốc, phải nhận thức rõ mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khác Trung Quốc - Philippines về địa - chính trị. Philippines có đồng minh sau lưng là Mỹ, có Hiệp định an ninh Mỹ- Philippines ký năm 1951. Theo tôi, Việt Nam không từ bỏ chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, song cần chuẩn bị đầy đủ hơn và lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp.
Với những căng thẳng leo thang từng ngày như hiện nay, ông nhận định tình hình Biển Đông sẽ đi đến đâu?
- Tất cả những động thái của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông đều phục vụ cho âm mưu thôn tính Biển Đông. Họ đang bắt đầu xây dựng ở đảo Gạc Ma như bơm cát tạo đảo nhân tạo, xây đường băng, tạo thành làng xóm khi đưa một số gia đình và trẻ em đến đấy sinh sống. Khi xây dựng xong rồi thì Trung Quốc sẽ thông báo cái gọi là thiết lập vùng nhận diện phòng không, tiếp đến là đặt các cơ sở quân sự để hòng kiểm soát Trường Sa… Lúc ấy Trung Quốc lại dùng mọi cách để vu cáo Việt Nam, thực hiện biện pháp cưỡng chế… khiến cho con đường của chúng ta đến với Trường Sa, Hoàng Sa ngày càng khó khăn hơn. Đó chính là âm mưu thâm độc, xâm lăng của Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!