Ông Lê Quốc Châu - Chủ tịch Hội ND xã Thới Sơn cho biết: “Trong xã hiện có 15 ND thu nhập trên 1 tỷ đồng/người/năm cùng vài chục nông dân “mấp mé” ngưỡng tỷ phú. Những nông dân này rất cần cù, sáng tạo, chí thú làm ăn.
Họ có thu nhập cao như vậy nhờ biết cách khai thác và tổ chức dịch vụ phục vụ nông nghiệp, mua bán hàng nông sản miền núi, lập vườn cây ăn trái, trồng trọt dưới tán rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm”.
Chủ động làm giàu
Nhờ chí thú làm ăn, nhiều năm qua lão nông Cao Thanh Phí, ở ấp Sơn Tây, mạnh dạn khai thác 8ha đất trên sườn núi Ông Két để lập vườn, trồng cây ăn trái theo kiểu xen canh nhiều loại cây như xoài, mít, chuối...
“Cách làm này của tôi vừa góp phần cải thiện môi trường, phủ xanh đồi núi, vừa mang lại lợi nhuận trên 720 triệu đồng/năm cho gia đình. Hướng tới tôi sẽ xây dựng vùng cây đặc sản miền núi. Song song đó tôi sẽ trồng xen canh các loại cây thị trường đang có nhu cầu để lấy ngắn nuôi dài”.
Ở ấp Đông Thuận, ND Kiều Văn Chồi thì thực hiện mô hình VAC (vườn – ao – chuồng). Trên diện tích 2.000m2, ông Chồi nuôi cá lóc giống và cá lóc thịt, xung quanh ông trồng nhiều loại cây ăn trái như chuối, mít…
Theo ông Chồi, nông dân không nên ỷ lại, trông chờ chính sách nhà nước mà phải biết suy nghĩ cách làm, dựa vào đất đai, hoàn cảnh của từng người mà chọn cách làm, trồng cây gì, nuôi con gì, phải chủ động tự cứu lấy mình trước…
Khai thác lợi thế bán sơn địa
Theo ông Lê Quốc Châu: “Chính các mô hình sản xuất từng bước góp phần thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; trở thành điển hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và thúc đẩy phát triển nông thôn, người này nhìn người kia theo...”. Người này nhìn người kia làm theo đã trở thành phong trào thi đua sản xuất kinh doanh ở xã Thới Sơn. Nó đã làm cho phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi” ở Thới Sơn ngày càng vững mạnh.
Ông Lê Văn Hạnh - Chủ tịch Hội ND huyện Tịnh Biên cho biết: Các điển hình được biểu dương với các mô hình cụ thể đã làm cho phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi” ở Thới Sơn trở nên thiết thực và hiệu quả”.
Cụ thể qua các mô hình: Sản xuất lúa (ông Mai Văn Út), trồng màu (ông Lê Văn Lưu), làm vườn (ông Đào Xuân Bình), nuôi trồng thủy sản (Lê Văn Cược), chăn nuôi gia súc gia cầm (ông Tống Văn Mây), dịch vụ nông nghiệp (ông Huỳnh Văn Cảnh), mua bán hàng nông sản (ông Huỳnh Văn Đấu), xây dựng và phát triển nông thôn (bà Trần Thị Chọn)…
Đặc biệt, Tổ hợp tác sản xuất số 10 hoạt động dịch vụ bơm tưới – tiêu phục vụ trên 100ha đất, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm, tổng giá trị tài sản cố định tăng lên 1 tỷ đồng.
“Thành công của ND Thới Sơn chính là biết khai thác lợi thế của vùng bán sơn địa và biên giới giáp Campuchia để phát triển sản xuất - kinh doanh” – ông Hạnh nhận định.