Sáng 11.6, Quốc hội đã chính thức công bố kết quả kiểm phiếu việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) đối với 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả, 100% các chức danh chủ chốt được bỏ phiếu từ tín nhiệm đến tín nhiệm cao trên 50% đã phản ánh sự thống nhất cao của Quốc hội.
100% từ tín nhiệm đến tín nhiệm cao
Thay mặt Ban Kiểm phiếu gồm 29 người, Trưởng ban Đỗ Văn Chiến (ĐBQH đoàn Yên Bái) đã công bố công khai số phiếu tín nhiệm của từng chức danh trong số 47 chức danh chủ chốt. Có 498 đại biểu Quốc hội tham gia lấy phiếu tín nhiệm (LPTN). Qua công bố này, có thể thấy không có chức danh nào bị rơi vào tình trạng “báo động”- có nghĩa là có số phiếu “tín nhiệm thấp” chiếm trên 50% tổng số ĐB tham gia bỏ phiếu.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với các ĐBQH bên lề phiên lấy phiếu tín nhiệm. |
Kết quả cụ thể kiểm phiếu cho thấy, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đạt số phiếu “tín nhiệm cao” cao nhất với 372 phiếu (chiếm 74,7%) (cùng số phiếu “tín nhiệm” là 104, “tín nhiệm thấp” là 14).
Ở chiều ngược lại, người đạt số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với 209 phiếu (chiếm 41,97%) (cùng số phiếu “tín nhiệm cao” là 88, “tín nhiệm” là 194)…
Các vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cũng khá khác nhau. Cụ thể, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có số phiếu “tín nhiệm cao” là 330 phiếu (chiếm 66,27%), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có số phiếu “tín nhiệm cao” là 328 phiếu (chiếm 65,86%). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có số phiếu “tín nhiệm cao” là 210 phiếu (chiếm 42,17%)…
Sau khi Trưởng ban Kiểm phiếu Đỗ Văn Chiến thông báo kết quả kiểm phiếu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết về việc LPTN. Do có một số sự chênh lệch, sai sót trong số phiếu đối với 3 chức danh là Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nên Ban Kiểm phiếu đã phải mất hơn 30 phút để kiểm tra lại con số chính xác. Cuối cùng Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về LPTN với tỷ lệ tán thành là 94,58% tổng số ĐB có mặt.
Đòi hỏi trách nhiệm cao hơn
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá về kết quả của hoạt động vô cùng đặc biệt và lần đầu tiên được tổ chức như sau:
“Mặc dù kinh nghiệm chưa có nhiều, cũng còn những thiếu sót trong quá trình chuẩn bị cho tới việc bỏ phiếu nhưng kết quả chung có thể nói đã phản ảnh được tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tư pháp của đất nước chúng ta. Chúng ta đều đã nghe kết quả kiểm phiếu… Nhìn chung đánh giá của các vị ĐBQH khá khách quan, phản ánh được tình hình kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội, tư pháp, tức là tình hình đất nước”.
Như chia sẻ thêm với những chức danh nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp, Chủ tịch Quốc hội nhắn nhủ:
“Với những lĩnh vực nóng như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng..., có thể nói Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Những phiếu tín nhiệm thấp đòi hỏi một cách nghiêm túc các vị được LPTN tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt hơn, phấn đấu tốt hơn trong thời gian tới”.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Như vậy, Quốc hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao cho chúng ta về việc đánh giá tín nhiệm bước đầu. Chúng ta tin tưởng rằng qua lần này chúng ta sẽ rút kinh nghiệm.
Không thể nói có một việc nào được 10 điểm cả, chúng ta cũng còn có việc này, việc kia chưa tốt. Từ công tác chuẩn bị cho tới quá trình tiến hành quy trình, cho tới việc quản lý thông tin cũng còn có những thông tin này, thông tin khác.
Nhưng chúng ta tin tưởng chúng ta đã thông qua nghị quyết với một tỷ lệ phiếu rất cao, tức là chúng ta khẳng định kết quả trong lần lấy phiếu tín nhiệm này ở Quốc hội”.
ĐBQH Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Một số phiếu bình quân chủ nghĩa
Kết quả này sát hợp với tình hình và mọi người hài lòng về kết quả này. Tôi cảm tưởng là cử tri chắc cũng sẽ hài lòng thấy rằng mình làm lần đầu tiên việc này. Qua đây sẽ cảnh tỉnh cho những đồng chí có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” sẽ cố gắng vươn lên, khắc phục những hạn chế của mình.
Quan điểm của tôi là bỏ phiếu cho những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm nhưng mà phải mang lại hiệu quả chứ không phải làm không có căn cứ khoa học, làm không có sự chuẩn bị chu đáo về các giải pháp và cơ sở khoa học.
Ngoài ra, theo tôi, do nhiều ĐB chưa tiếp cận, thu thập thông tin đầy đủ nên một số phiếu rơi vào tính bình quân chủ nghĩa, cũng do ta chia ra 3 mức tín nhiệm trong phiếu. Sau này mình có quy trình tốt, mình có kinh nghiệm rồi thì chỉ làm 2 mức là tín nhiệm và không tin nhiệm thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam): Sát với thực tế
Tôi nhận thấy kết quả LPTN phản ánh khá đúng với thực tế hiện nay. Tôi nghĩ rằng kết quả vừa công bố chắc chắn sẽ hài lòng cử tri bởi vì kết quả không cào bằng, có cao có thấp. Đặc biệt, tôi muốn nói tới vị trí của Thống đốc NHNN – người đứng đầu một lĩnh hết sức quan trọng, nhạy cảm và hay va chạm với xã hội.
Tôi thấy việc đồng chí Thống đốc bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp là cảnh báo để đồng chí phải nỗ lực hơn trong quá trình tham mưu, đề xuất với Chính phủ và trong quá trình chỉ đạo, triển khai công việc của mình, khắc phục những nhược điểm, hạn chế. Lĩnh vực y tế, giáo dục cũng là những lĩnh vực như vậy, hết sức nhạy cảm và hay va chạm.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Đã minh bạch tất cả
Có thể nói ta là nước đầu tiên trên thế giới LPTN chứ không phải là lấy phiếu bất tín nhiệm. Nhưng theo tôi điều đầu tiên đáng ghi nhận là toàn bộ quy trình chúng ta làm rất minh bạch, công khai tất cả. Còn kết quả cụ thể mỗi người có một ý kiến khác nhau nhưng nếu nhìn trong tổng quan của tỷ lệ giữa những vị ở những cương vị khác nhau thì thấy nó phản ánh tương đối sát thực tế.
Sẽ có người cho rằng tại sao cả một cuộc LPTN mà không có một ai nằm trong diện sẽ phải bỏ phiếu, thế nhưng tôi cho rằng nếu nhìn tương quan tất cả nhân vật được LPTN, kết quả lấy phiếu đã phản ánh khá trung thực nhận thức xã hội. Tôi không đặt vấn đề là ai trượt hay trúng. Nhưng tôi muốn nói tương quan giữa các bộ trưởng, giữa các vị giữ trọng trách khác nhau với thực tiễn đời sống tôi thấy nó phản ánh tương đối đúng.
Nhóm PV (ghi)
Kiều Minh