Từ chỗ đứng hiện tại của nó đến sân vận động gần nhất của World Cup mất đến 15 giờ di chuyển. Nhưng điều đó không ngăn cản được niềm đam mê bóng đá của các "thủy thủ". Họ sẽ cập vào đất liền đến Fan Zone xem trận đấu rồi mới rước khách lên tàu tham quan theo lịch trình.
Dù thiếu thốn trang thiết bị hiện đại nhưng người dân các bộ tộc trong rừng Amazon vẫn có tình yêu với trái bóng còn đáng quý hơn cả cư dân thành phố.
Máy phát điện là một gia tài
Họ là những người may mắn. Còn với những cư dân sống trong rừng già Amazon, xem World Cup là một điều xa xỉ. Ở đây không hề có điện và sóng điện thoại. Họ phụ thuộc hoàn toàn vào một máy phát điện chạy diesel và một chiếc tivi với ăng ten chữ V. Đến giờ diễn ra trận đấu, họ tập tung lại và nhìn vào TV, xem được hay không thì... hên xui.
Quang cảnh ở đây trái ngược hoàn toàn với những bãi biển đông nghịt người ở Rio de Janeiro. Rừng già Amazon yên tĩnh cực kỳ, như tách biệt hoàn toàn khỏi bầu không khí sôi động trên toàn Brazil. Thỉnh thoảng mới có một đoàn khách tranh thủ ghé thăm nhân dịp đến Brazil xem World Cup.
"Bóng đá đã ăn vào máu chúng tôi," Andre Pereira da Silva, 32 tuổi, người đứng đầu một cộng đồng những thổ dân ở Manaus cho biết. Anh Andre cũng là hướng dẫn viên của tour du lịch khám phá Amazon.
Thuyền khởi hành ngoài bìa rừng với đích đến là ngôi làng Monte Salem của anh. Đây là 1 trong tổng cộng 150 làng nhỏ với gần 11.000 người sống dọc hạ lưu sông Amazon. "Hãy chờ đến khi đặt chân đến ngôi làng ấy," Andre tự hào khoe. "Bạn sẽ cảm thấy mình như đứng giữa những vì sao".
Là một cậu bé sinh ra và lớn lên tại Monte Salem, Andre đã làm bóng từ vỏ cây cao su, anh tết chúng lại thành một khối hình tròn và dùng để đá chơi với bạn bè. "Cứ 3 cây cao su thì tết được thành một quả bóng," anh nói khi chỉnh lại cái đuôi ngựa sau lưng mình. "Vấn đề là nó cứ nảy lên như quả bóng chuyền ấy".
Trên boong trên của tàu thám hiểm (dài bằng phân nửa sân bóng), nhạc Brega được mở thông qua 2 chiếc loa cũ. Mỗi lần khởi hành thì chiếc thuyền này chở được khoảng 300 khách tham quan.
Một số du khách mang theo tivi cũ và màn hình phẳng vào bán lại cho thổ dân để họ xem bóng đá. Họ nằm lên võng, chợp mắt, đọc sách, nghe nhạc hoặc mở smartphone ra dõi theo trận đấu giữa Argentina và Bosnia. Trận đấu cũng được phát qua một tivi nhỏ trên tàu, tất nhiên tín hiệu rất chập chờn.
Ghét Argentina, nhưng không ghét Messi
Rodrigo Xavier, 26 tuổi, nói: "Messi hôm nay chậm quá. Anh ta chơi không tốt gì cả". Nhưng chỉ vài phút sau, chàng trai Brazil này lập tức vỗ tay và dành mọi lời khen khi chứng kiến Messi ghi bàn ấn định tỷ số sau một pha dốc bóng rất hay.
Văn hóa xem bóng đá ở Brazil là như thế, họ có thể ghét đội tuyển Argentina nhưng không hề ghét những cầu thủ chơi bóng giỏi. Người Brazil vẫn thích và đón chào các cầu thủ Argentina đến thi đấu tại nước mình (Carlos Tevez và Javier Mascherano rất được yêu mến tại Corinthians). Họ cũng yêu quý Diego Maradona. Tiền đạo Diego Costa vừa đến dự World Cup trong màu áo đội tuyển Tây Ban Nha có cái tên Diego vì bố anh hâm mộ Maradona.
Đêm xuống, mọi người đều đi ngủ, chỉ có anh hướng dẫn viên Andre vẫn thức và chỉ cách cho những khách tham quan vẫn còn thức cách nhận diện một chú cá sấu đang ẩn mình đâu đó trên đường đi của thuyền.
Sáng hôm sau khi thuyền cập vào một ngôi làng, người dân đón họ với pháo hoa và những tiếng vỗ tay. Đi tham quan làng, du khách thấy ngay không khí bóng đá. Cờ Brazil được giăng đầy ở mọi nơi. Thậm chí những chú chó, chú mèo cũng được đeo những vòng cổ màu vàng xanh.
Một số người mặc áo của các CLB lớn tại Brazil như Flamengo và Vasco da Gama. Họ yêu 2 CLB này từ tận những năm 1950, 1960 với một lý do hết sức dễ hiểu: ở đây chỉ bắt được sóng radio từ Rio mà thôi. Họ nghe đài tường thuật trận đấu của 2 đội này và thế là ủng hộ luôn 2 CLB ấy. Có những người cả đời cổ vũ bóng đá mà chưa thấy được sân vận động, chưa biết mặt mũi cầu thủ thần tượng của mình là như thế nào.
Một vài thiếu niên còn tự hớt mái tóc của mình theo kiểu của Neymar. Mặc dù Neymar đã chơi rất tốt tại vòng bảng, nhưng anh Andre vẫn chưa tin lắm vào ngôi sao số 1 của Brazil. Anh nói: "Cậu ta cần thêm kinh nghiệm và chiến đấu nhiều hơn nữa. Ai lại suốt ngày chăm lo đầu tóc thế kia".
Rồi anh Andre đối diện với một vấn đề nghiêm trọng: chiếc máy phát điện duy nhất trong làng đã bị hỏng. Andre nói ngay: "Hôm qua Argentina đá, đích thị là Argentina làm hỏng, họ làm hỏng mọi thứ".
Từ rừng rậm tới sân cỏ
Rồi chuyến du lịch tiếp tục. Du khách được giới thiệu những ngôi nhà sàn với mái lá của cư dân Brazil. Ở bất cứ ngôi làng nào cũng có một sân bóng dã chiến. Có 2 gốc cây được cắm làm khung thành và không có lưới. Bọn trẻ đá bóng ở đó, xung quanh là rất nhiều trái cây: lê, cam, chuối... Thỉnh thoảng trong làng cũng tổ chức những giải bóng đá, đội thắng có thể nhận giải thưởng lên đến 1.500 USD.
Andre nói: "Người Brazil yêu và xem bóng đá nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới. Ở riêng Amazon này, bóng đá mang nhiều thứ: niềm vui, sức khỏe, tránh những xung đột, tránh tình trạng nghiện rượu và còn là cách để giao tiếp với những cư dân ở các làng lân cận. Các đội bóng sang dự giải trên thuyền và những giải bóng đá thật sự là những ngày hội".
Năm 1890, một người Scotland tên Charles Miller được xem là đã truyền bá bóng đá đến cho người Brazil. Nhưng theo cuốn sách “Futebol: The Brazilian Way of Life" của Alex Bellos thì người Amazon đã biết đến bóng đá từ xưa, họ tết vỏ cây thành bóng và chơi trò chơi mà họ gọi là zicunati.
Nghĩa là ngay tận sâu thẳm rừng già Amazon, bóng đá vẫn có một cuộc sống rất riêng của nó.
Amazon cũng từng cung cấp cho Brazil một cầu thủ. Đó là Indio (ảnh dưới), một thổ dân như chính cái tên anh, từng dự vòng loại World Cup 1958. Những năm 1990, một thổ dân khác là José Sátiro do Nascimento, người từng dùng dừa đá thay bóng khi còn trẻ, được ký hợp đồng với CLB Corinthians.