Dân Việt

Quyết liệt giảm tải, bệnh viện vẫn quá tải

Quốc Ngọc 08/07/2014 07:29 GMT+7
Người dân các tỉnh thành vẫn đặt niềm tin nơi các cơ sở y tế tuyến trên và sẵn sàng đổ về TP.HCM khám chữa bệnh, bất chấp những nỗ lực phân tuyến của ngành y tế nhằm giảm quá tải bệnh viện.

Ngày 7.7, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thực hiện chuyến thị sát tình trạng quá tải và làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Thống Nhất về công tác này. Theo báo cáo của các đơn vị, sau 1 năm triển khai Quyết định 92 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020”, các bệnh viện vẫn gặp không ít khó khăn, tình trạng quá tải vẫn chưa được cải thiện.

Bệnh nhân “rồng rắn" xếp hàng

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ trưởng Y tế chứng kiến cảnh bệnh nhân xếp hàng dài, ngồi chật kín khu vực khám bệnh. Hầu hết bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành khác. Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi ngày bệnh viện tuyến cuối tại khu vực phía Nam này phải khám và điều trị cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân.

Số bệnh nhân nội trú luôn trên dưới mức 2.500 người. Khoa khám bệnh với 93 bàn khám đã phải hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt trước số lượng bệnh nhân quá đông. Thời gian trung bình mà một người bệnh phải chờ đến lượt khám là khoảng 3,7 giờ.

Bác sĩ Sơn cho biết, bệnh viện đã phải kê thêm nhiều giường bệnh tại các khoa phòng điều trị nội trú. Thậm chí, sử dụng cả giường di động và tận dụng cả khoảng trống ngoài các hành lang để kê thêm giường bệnh.

Ngoài ra, để giảm tải bệnh nhân ngoại trú, bệnh viện đã tổ chức khám bệnh cả ngày thứ 7, thực hiện dịch vụ đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080 và thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng. Riêng khu vực khoa Khám bệnh được trang bị bảng điện tử, bảng hướng dẫn quy trình khám, chữa bệnh.

Theo bác sĩ Sơn, các biện pháp giảm tải đã được tích cực triển khai chỉ mới kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân phải nằm giường ghép từ 58% tổng số giường (năm 2012) xuống còn 12%.

Tình trạng quá tải cũng tương tự tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, mỗi ngày bệnh viện khám cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Bệnh viện đã đưa vào sử dụng tòa nhà mới 15 tầng, giúp tăng số phòng khám từ 24 lên 68 phòng và số giường nội trú từ 350 lên 950 giường. Song song đó, bệnh viện thực hiện khám sớm từ 7 giờ 30 và làm việc trong giờ nghỉ trưa.

Tuyến dưới tốt, dân vẫn không tới chữa

Trong lúc đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc tại các bệnh viện, ngồi chờ tại khu khám bệnh chật kín người ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bà T.T.Thúy - ngụ tỉnh Long An cho hay, bà đã tới đây từ 7 giờ sáng và phải gần 11 giờ mới khám xong. “Giờ lại chờ lãnh thuốc, không biết chừng nào mới được về” - bà chậc lưỡi ngao ngán.

Hơn 11 giờ trưa mà quầy nhận thuốc dành cho bệnh nhân BHYT của Bệnh viện Đại học Y Dược vẫn đầy người. Một bệnh nhân từ Đăk Lăk than thở, ông lên đây từ sáng sớm mà giờ vẫn chưa được về. “Mỗi lần về đây khám bệnh là phát rầu, bỏ hết công ăn việc làm, chi phí tốn kém, nhưng tôi cứ về thành phố chữa bệnh cho yên tâm” - ông thở dài.

  Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để hạn chế vượt tuyến, tới đây việc phân bổ thuốc BHYT sẽ không còn phân biệt bệnh viện hạng trên có danh mục thuốc nhiều hơn hạng dưới như hiện nay. Cùng một loại bệnh, tất cả cả bệnh viện có phác đồ điều trị và danh mục thuốc giống nhau. 
Thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược cho thấy, có hơn 70% bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây là từ các tỉnh. Nhiều trường hợp chỉ mắc bệnh thông thường, bệnh nhẹ, người dân cũng không ngần ngại về thành phố khám, điều trị. Người dân vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở tuyến dưới, mặc dù nhiều nơi đã cải thiện đáng kể về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất.

 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh giải pháp giảm tải. Theo bà, biện pháp lâu dài là phải mở rộng, xây dựng thêm các cơ sở y tế. Trước mắt, phải cương quyết làm tốt công tác phân tuyến điều trị và xây dựng niềm tin vào tuyến dưới.

“Trong khi nhiều bệnh viện tuyến cơ sở chất lượng khám chữa bệnh cũng rất tốt nhưng người dân không tới chữa trị. Để tạo thêm niềm tin cho người dân vào tuyến dưới, cần đẩy mạnh chương trình bệnh viện vệ tinh” - bà Tiến nói. Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới bộ sẽ triển khai chương trình luân phiên cán bộ. Các bệnh viên tuyến trên cử luận phiên bác sĩ giỏi về bệnh viện tuyến dưới để thu hút người dân đến khám bệnh.