Xoá nghèo không khó
Tông Lạnh là vùng đất hẹp chạy dọc theo suối Muội, thuộc huyện Thuận Châu. Nơi đây có tới 2.333 hộ dân với hơn 10.200 nhân khẩu sinh sống (chủ yếu là bà con dân tộc Thái), với diện tích đất nông nghiệp chưa đầy 1.470ha.
Chỉ lên vách núi bản Thẳm cao sừng sững trước cửa UBND xã, anh Quàng Văn Phong- cán bộ văn phòng UBND xã Tông Lạnh, bảo: “Chỗ nào có thể sản xuất được là dân khai hoang, trồng cây. Có nước thì cấy lúa, làm rau xanh; hiếm nước thì trồng sắn, ngô, đậu, lạc; miếng đất nào quá nhỏ thì cấy mấy chục gốc cỏ nuôi trâu bò… Mấy năm nay phong trào xoá nghèo-làm giàu ở đây phát triển mạnh, đất hoang hầu như không còn nữa…”.
Đến với các bản trong xã, mới cảm nhận được sự cần cù, chịu khó của bà con. Tông Lạnh hôm nay không còn là vùng độc canh cây lúa nương, lúa nước, ngô giống cũ mà đã có sự đa dạng của nông sản với hơn 40ha cây cà phê, hơn 100ha cây sắn, hàng chục ha cây đậu, lạc và rau màu và trên 400ha cây cao su. Ông Quàng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh tâm sự:
“Làm nông nghiệp mà đất ít thì khó bứt phá, vươn lên. Bởi thế chúng tôi vận động 7 tiểu khu nằm dọc theo Quốc lộ 6 này chuyển đổi sang kinh tế dịch vụ. Còn 23 bản làm nông nghiệp thì tập trung vào cây trồng, vật nuôi theo kiểu mùa nào thức ấy.
Huyện còn đưa cán bộ khuyến nông xuống xã, hướng dẫn bà con thật chu đáo. Đất nào trồng được cây công nghiệp, đất nào cấy lúa, trồng rau, ở đâu có thể đào được ao, thả cá… đều chỉ rõ cho dân. Nhờ thế nguồn thu của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn hơn 20%”.
Hợp sức làm ăn
Bên ruộng rau xanh rộng chừng 50m2 sát suối Muội, chị Lò Thị Phớ - dân bản Củ B đang lúi húi với những vạt rau muống nước mới cấy. Chị bảo: “Đất rau này một năm chỉ trồng được mấy tháng thôi, bởi mùa mưa là hay ngập lắm. Ngập xong cát, sỏi lại đầy vườn, làm đất rất khổ nhưng bỏ hoang thì phí.
Cái ruộng rau nhỏ này mà mỗi năm cũng cho nhà tôi tới mấy triệu đồng tiền rau”. Theo chị Phớ, chị em phụ nữ trong bản lấy rau xanh làm nguồn thu nhập phụ cho gia đình đã nhiều năm nay. Vừa qua chị em lại được tập huấn thêm về kinh nghiệm sản xuất rau xanh và trồng hà thủ ô. “Tới đây chúng tôi sẽ đưa cây hà thủ ô vào trồng trên nương, đất ít thì xen canh với cây trồng khác nhưng chắc chắn mỗi hộ sẽ có thêm thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm đấy” - chị Phớ tự tin.
Sự lạc quan về sức xoá nghèo, làm giàu của ông Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh lại càng có cơ sở thuyết phục hơn khi chúng tôi đến với các bản Củ A. Củ B, Nà Lạn… được thấy nông dân nghèo ở đây lập những mô hình kinh tế tập thể để góp vốn chăn nuôi trâu, bò sinh sản; trồng rau xanh, hỗ trợ nhau về kiến thức khuyến nông, giống, vốn, công sức khi mùa vụ.
Chỉ vào đàn bò hơn chục con đang nhẩn nha gặm những bó cỏ non bên dãy chuồng ngay đầu bản, anh Lò Văn Thanh ở bản Củ A bảo: “Đàn bò tập thể của bản đấy. Chúng tôi góp nhau công sức, tiền của, cùng phát triển đàn bò này. Ai cũng có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Chỉ vài năm nữa, đàn bò này sẽ sinh sôi lên đến hàng chục con, sẽ là nguồn vốn lớn cho những hộ nghèo bứt phá, vươn lên”.