Dân Việt

Việt Nam công bố lập trường về chủ quyền và vụ giàn khoan Hải Dương 981

Thúy Đăng 09/07/2014 07:12 GMT+7
Ngày 8.7, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố 2 văn bản lập trường chính thức của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tài liệu về lập trường chủ quyền của Việt Nam nêu rõ: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa”) nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22.5.2014 và ngày 9.6.2014 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lần lượt trong các văn bản A/68/887 và A/68/907.

Việt Nam khẳng định rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử. Tài liệu cũng đề cập đến những nội dung chính như: Các tư liệu lịch sử không thống nhất với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa; Các hội nghị quốc tế không giao quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc; Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực nên không thể thiết lập được chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc…

Tài liệu lập trường của Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam khẳng định: Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế; Các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ.

Tài liệu nêu rõ: Cần phải khẳng định ngay rằng tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng tranh chấp này không phải là nguồn gốc của căng thẳng gia tăng hiện nay tại Biển Đông, mà căng thẳng này cần phải được giải quyết bằng cách áp dụng các quy tắc và thủ tục được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo Bộ Ngoại giao, ngày 2.5.2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý.

Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, tàu và các phương tiện, thiết bị khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không xâm phạm vùng biển của Việt Nam trong tương lai.

 "Việt Nam trịnh trọng yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tránh để căng thẳng kéo dài và tránh dẫn đến xung đột giữa hai nước”. 
Bộ Ngoại giao Việt Nam