Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương giải mã dữ liệu của hộp đen máy bay gặp nạn để tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Tuy nhiên, công việc này cũng rất khó khăn do bản thân hộp đen cũng có trục trặc về kỹ thuật.
Về công tác nhận dạng những quân nhân hy sinh, theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, hiện các cơ quan chuyên môn cũng đang tích cực xác định nhận dạng danh tính, thi hài của từng chiến sĩ hy sinh.
Đối với các trường hợp thông thường, công việc xét nghiệm ADN chỉ mất từ 24 – 36 giờ là có kết quả. Trong vụ tai nạn này, một số thi hài của chiến sĩ bị cháy sém nên việc xét nghiệm ADN sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.
Trong sự cố này, Quân chủng Phòng không – Không quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ đứng ra chủ trì tổ chức tang lễ, hậu sự cho chiến sĩ hy sinh. Hiện tại, các đơn vị này đang chờ kết quả xác minh danh tính rõ ràng để tổ chức tang lễ.
Đại tá Trần Quang Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cứu hộ đường không, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, đơn vị này có 1 cán bộ hy sinh. Đó là trung úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, Tổ trưởng giáo viên Bộ môn nhảy dù cứu nạn cứu hộ đường không trực tiếp huấn luyện các học viên nhảy dù.
Theo thông tin từ đại tá Hòa, máy bay gặp sự cố đúng vào thời điểm đang lấy độ cao. Do chưa đạt độ cao cần thiết, học viên đã đeo dù cũng không thể nhảy ra ngoài. Căn cứ vào quỹ đạo cất cánh thông thường, máy bay gặp nạn đang ở vòng quỹ đạo 1, máy bay sẽ vòng qua bên trái đè trúng ngay khu chợ Hòa Lạc vốn rất đông người vào buổi sáng. Nhưng trong tình huống này, tổ lái đã cố gắng điều khiển máy bay vòng qua bên phải để rơi vào khu đất trống, nơi không có người dân.
“Nếu không có hành động dũng cảm của tổ lái, máy bay vướng vào dây điện cao thế hoặc đè lên chợ thì không biết hậu quả sẽ đến mức nào. Trước khi hy sinh, tổ lái đã có hành động cực kỳ dũng cảm”, đại tá Hòa khẳng định.