Tại trường THCS Xuân La – địa điểm thi của trường ĐH Nội vụ Hà Nội, thí sinh Nguyễn Thị Hương cho biết, đề Địa có 2 ý lớn liên quan đến biển đảo, trong đó ý 1 câu I (3 điểm) tương tự như đề thi tốt nghiệp. Yêu cầu ý này là: Trình bày vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng? Hương cho biết: “Câu này trong đề thi thử ĐH chúng em cũng đã được làm qua, đề thi tốt nghiệp cũng hỏi tương tự nên hôm nay làm khá tốt”.
Tương tự, thí sinh Tạ thị Loan (Hoằng Hóa – Thanh Hóa) thi tại địa điểm thi số 13 trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đề thi dành cả 2 câu nói về việc đánh bánh thủy hải sản quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Câu III (2 điểm) tuy không hỏi trực tiếp nhưng gián tiếp nói về vấn đề này khi hỏi “Trình bày việc phát triển nghề cá và du lịch biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Vì sao đánh bắt hải sản xa bờ đang được đẩy mạnh ở vùng này?".
Loan cho biết: “Nhiều bạn trong phòng “trúng tủ” làm tốt và ra sớm khi hết 2/3 thời gian. Em cũng hi vọng môn Địa sẽ là môn cứu cánh, khả năng được 8 – 9 điểm”.
Trong khi đó, thí sinh Trần Thị Mai tại trường THPT Tây Hồ địa điểm thi số 15 trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Lâu lắm rồi mới thấy môn Địa động đến vấn đề thủy điện, câu này nhiều bạn không để ý học, em cũng chỉ học qua, không nhớ công suất của các nhà máy điện lớn nên làm bỏ lửng”.
Một câu hỏi khác mang tính thời sự cao cũng được rất nhiều thí sinh hào hứng đó là câu hỏi liên quan đến tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam, hướng giải quyết việc làm cho người lao động nước ta.
Cô Nguyễn Thị Minh- giáo viên Địa ở An Bài – Quỳnh Phụ - Thái Bình cho rằng: “Đề địa không khó, thậm chí dễ hơn nhiều so với các năm trước. Đặc biệt có nhiều câu hỏi mang tính thời sự: biển đảo, thất nghiệp…Với đề thi này, thí sinh học khá chắc trở lên sẽ dễ được 8 – 9 điểm”.