Dân Việt

Những “tật xấu” của ông vua đạm đậu nành

Khởi Thức 12/07/2014 07:45 GMT+7
Đậu nành, thứ cây trồng có cách đây hơn 3.000 năm, được ca ngợi là giàu isoflavon trong mầm có tác dụng giống nội tiết tố nữ giúp phụ nữ bảo vệ sức khoẻ và làm đẹp. Mặt trái của nó là các ông ăn nhiều, với giới tu hành không cần thì không sao, với giới còn lại rất tai hại: số lượng tinh trùng giảm thấy thương...

Những tai hại của sự lạm dụng

Các nhà nghiên cứu ở đại học Harvard hồi đầu năm nay lần đầu tiên công bố cái sự tình này ở người so với các nghiên cứu trước đó ở Nhật. Những người đàn ông ăn nhiều sản phẩm từ đậu nành trong ba tháng, lượng tinh trùng của họ ít hơn khoảng 41 triệu con/ml so với những người không ăn.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất chọn protein đậu nành, được ca ngợi là đạm thực vật ưu thế hơn đạm động vật, trong các chế phẩm sữa năng lượng cao, và khuyên những người từ trung niên đến tuổi già nên dùng sữa năng lượng cao chứa đạm thực vật có trong đậu nành.

img Mầm đậu nành được cho là có lợi cho sức khoẻ và nhan sắc của phụ nữ. Ảnh: TL

Nhưng các chuyên gia – đương nhiên không phải chuyên gia của các loại sữa thương mại năng lượng cao – cho rằng, protein thực vật khi vào cơ thể sẽ qua quá trình chuyển hoá và cuối cùng một phần lớn biến thành chất thải nitơ được thận bài tiết ra ngoài. Về già, chức năng bài tiết chất thải của thận bị suy giảm, nạp quá nhiều protein thực vật sẽ làm thận bị quá tải, càng ngày “hết xí quách”, không thể không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Các chuyên gia y học Mỹ còn cho rằng các sản phẩm từ đậu giàu methionin, dưới tác động của enzyme chuyển đổi thành cystein. Cystein có thể làm hỏng tế bào nội mô động mạch, dễ làm lắng đọng cholesterol và triglyceride trong thành động mạch. Xơ vữa động mạch là khó tránh khỏi.

Saponin, một chất có trong đậu nành lại có tác dụng thúc đẩy bài tiết iốt trong cơ thể con người. Thiếu hụt iốt mà phải bù bằng iốt có trong muối ăn thì có nước... cắn lưỡi.

Trẻ em bị lạm dụng chế phẩm từ đậu nành sẽ gặp nhiều vấn đề về hành vi. Và, nếu như đậu nành tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh nhờ isoflavon có khả năng “nhái” estrogen – nội tiết tố nữ – thì hẳn là không tốt đối với bé gái. Hiện tượng dậy thì sớm gần đây ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào, nhưng liệu có phần “thủ phạm” là đậu nành? Bé trai mà nạp nhiều estrogen thì thiệt là không biết điều gì xảy ra cho tâm lý giới tính sau này.

Đậu nành tự nhiên

Nhiều nhà sản xuất sữa đậu nành, để tránh tâm lý người tiêu dùng sợ chế phẩm biến đổi gen chưa biết hại hay không hại về lâu dài, vì một lẽ trái tự nhiên, ra sức quảng bá cho sữa đậu nành của mình làm từ nguồn đậu tự nhiên. Trong khi đó Việt Nam, do loay hoay với thành tích cường quốc gạo thế giới, hàng năm theo dự báo đến năm 2015 phải nhập 4,2 triệu tấn đậu nành. Đậu nành lại không đâu rẻ hơn Mỹ – cái nôi và ông trùm của thực phẩm biến đổi gen. Thế thì ở đâu ra đậu nành tự nhiên nhỉ?

Dầu vậy, đậu nành được thừa nhận là nguồn đạm thực vật bổ sung đầy triển vọng của tương lai. Nhưng các nhà dinh dưỡng cũng cần phải khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng điều độ. Thay vì đứng về phía nhóm lợi ích bán sữa đậu nành, ca ngợi thực phẩm này vượt hơn sự trung thực như là bản chất của khoa học.

Một phần ăn chứa 7,9g đậu chứa lượng đạm tương đương một ly sữa. Thời buổi này sữa mắc, ăn bún đậu mắm tôm bù đạm vẫn kinh tế chán. Nhưng nếu ngả từ cực đoan này sang cực đoan khác để một phụ nữ ăn đúng chuẩn 46g đạm và đàn ông 56g đạm đậu nành mỗi ngày cho thật “chay tịnh”, thì các ông sẽ càng thê thảm hơn phong độ thức suốt mùa World Cup 2014.