Dân Việt

"Đồng bộ" và những hoang mang nghệ sĩ

12/06/2013 13:21 GMT+7
Dân Việt - Vừa có nhiều sự hoang mang tự vấn ở đó, vừa có chút humour kiểu nông dân pha với pop-art đương đại với những liên tưởng hình ảnh trực diện, mạnh mẽ không che giấu. Đó là những hình ảnh mà người xem "đọc" thấy ở triển lãm "Đồng bộ" của họa sĩ Hoàng Duy Vàng.

Đầu tháng Ba vừa qua, trong một cuộc triển lãm nhóm đông đảo của CLB Họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật với tiêu đề “Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?”, Hoàng Duy Vàng đưa ra một bức áp phích - họa có tên “Sống để vẽ”. Với hình nhân vật là chính mình với phương pháp vẽ như hình người trong các tranh cổ động, vài lời “khẩu hiệu” với nghệ thuật viết lên. Sau đó, có một chút dư luận đã dấy lên sau đó với bức vẽ này, cùng một số tác phẩm khác trong triển lãm.

img
 

Nhưng nói chung là chưa đầy đủ và có nhiều thiên kiến, bởi lẽ với một tập hợp nhóm quá đông dưới một chủ đề. Thì mỗi cá nhân họa sĩ chỉ có thể đưa ra một hoặc một vài tác phẩm, người xem cũng chỉ nhìn thấy cái “đầu mút sợi dây” mỗi tác giả đưa ra. Để sâu hơn, giả sử như nếu có điều kiện, mỗi một tác giả nên có thêm một triển lãm riêng, bày đầy đủ loạt sáng tác dài hơi của mình, dưới tiêu đề đại loại như: “Cá nhân họa sĩ trẻ…xxx… đang nghĩ gì?”. Nhưng buồn là không phải ai cũng muốn làm và có thể làm được như thế…

Thực ra, bức tranh “Sống để vẽ” nằm trong một loạt sáng tác mới của họa sĩ Hoàng Duy Vàng, được triển khai âm thầm từ nửa cuối năm 2011 cho đến gần đây (tức là trong khoảng gần 2 năm). Ngay sau thời điểm anh cho ra mắt triển lãm “Ở đâu cũng thế” đầu tháng 11.2011 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Loạt sáng tác này thực sự là một bước chuyển đối lập hoàn toàn về form hình cũng như nội dung các bức họa, từ trừu tượng đa sắc chuyển sang có hình. Từ một cánh cửa hẹp của ngôn ngữ sơn dầu thuần túy chuyển sang pop-art với thủ pháp “mượn” của tranh cổ động, tuyên truyền và áp phích quảng cáo, có vẻ cực kỳ dễ xem, dễ hiểu.

img
 

Và cuối cùng loạt tranh sơn dầu và chất liệu tổng hợp này được ra mắt khán giả với cái tên chung là “Đồng bộ” vào giữa tháng 6.2013. Đây là một cuộc “nhảy cóc” giữa những hình ảnh "giông giống" khẩu hiệu, cờ, pano - áp phích quảng cáo, biểu ngữ, bìa sách, tem, tiền… Chỉ dùng khuôn khổ tranh duy nhất là 45x60cm để “đồng bộ”. Còn lại, trông qua, có vẻ như giữa các tác phẩm “không đồng bộ” với nhau tí nào, nhưng lại là một sự phản ánh đồng bộ những cảm quan trái ngược của người nghệ sĩ trước những biểu tượng đồ họa ứng dụng sinh ra từ những nguồn khác nhau, mục đích khác nhau nhưng lại tự do chung sống với nhau ở thời nay.

Những điều gì có thể phát tín hiệu thông qua những biểu tượng đồ họa ứng dụng đa chủng loại này? Đó là điều mà người nghệ sĩ muốn lý giải bằng cách đặt chúng cạnh bên nhau sau khi đã được… phù phép nghệ thuật tí ti. Liệu đó có phải điều chúng ta “cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”, hoặc cùng thấy? Người nghệ sĩ luôn luôn có cách riêng để tự khám phá ra bản chất vấn đề của xã hội và đám đông, như vậy, qua những hình thức nhìn qua thì rất đơn giản.

Vừa có nhiều sự hoang mang tự vấn ở đó, vừa có chút humour kiểu nông dân pha với pop-art đương đại với những liên tưởng hình ảnh trực diện, mạnh mẽ không che giấu. Trên hết, đó là một sự lao động miệt mài, kiên nhẫn, liên tục đáng quý của một họa sĩ trẻ sắp qua tuổi 35, vào đúng lúc đời sống mỹ thuật nói chung đang nhiều khốn khó.

"Người nghệ sĩ nghĩ được ý tưởng gì và sớm thể hiện điều đó ra, là tự tôn trọng chính mình." - Đó là điều mà tác giả kiên trì tâm niệm lâu nay.