Dân Việt

Nghị trường “nóng” với phân bón, lúa gạo

12/06/2013 17:57 GMT+7
Dân Việt - Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo, thu nhập cho người trồng lúa, hàng loạt ĐB đại diện khu vực ĐBSCL chiều nay đã đặt câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát.
img
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Chinhphu.vn

Tiếp tục với phiên trả lời chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến chất lượng vật tư, giống nông nghiệp. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo, thu nhập cho người trồng lúa, hàng loạt ĐB đại diện khu vực ĐBSCL đã đặt câu hỏi chất vấn.

Về ý kiến nhận xét Bộ trưởng còn “hiền” quá của ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), Bộ trưởng Phát đã cảm ơn đại biểu đã chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp. “Thay mặt cho bà con nông dân, tôi rất cảm ơn và trân trọng những tình cảm mà ĐB Trần Hoàng Ngân với ngành nông nghiệp, đây thực sự là một sự chia sẻ rất quý giá”, Bộ trưởng nói.

Bước sang phần đặt câu hỏi thứ 2, Bộ trưởng Phát đã được 5 đại biểu đặt câu hỏi. ĐB Lù Thị Lưu (Lào Cai) cho rằng, việc quản lý chất lượng phân bón hiện đang có rất nhiều bất cập. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?. Bộ trưởng Phát cho biết: “Hiện chúng tôi đang thực hiện các biện pháp đồng bộ, xây dựng các hệ thống hành lang pháp lý để triển khai các quy định của pháp luật về quản lý phân bón một cách nghiêm túc nhất. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất lượng phân bón không chỉ có riêng Bộ NNPTNT, mà còn liên quan đến cả Bộ Công Thương và Bộ KHCN”.

Tiếp vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân trả lời thêm.

Liên quan đến việc kiểm soát chất lượng phân bón, Bộ trưởng Quân nói: “Thực tế cho thấy, cơ chế, chế tài xử lý của chúng ta còn nhẹ quá, nên khi đi xử lý vi phạm xong rồi, các cơ sở vi phạm lại tiếp tục… vi phạm. Hơn nữa, theo Luật Thanh tra mới, nhiều khi lực lượng thanh tra ngành phát hiện được vi phạm, nhưng lại không đủ thẩm quyền để xử phạt”.

Đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Quân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận: “Đây vẫn là sự nhức nhối trong dư luận. Trong thời gian quan, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp để chống lại hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, phân bón giả tập trung nhiều vào NPK và vi sinh”.

Theo Bộ trưởng Hoàng, nguyên nhân dẫn tới việc chống phân bón giả còn hạn chế là do khung pháp lý điều chỉnh phân bón vô cơ đã tỏ ra một số bất cập. “Chúng tôi đang xây dựng dự thảo mới về xử phạt sản xuất kinh doanh phân bón giả. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được xây dựng xong và đang trong quá trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Khoảng cuối tháng 6, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ để xem xét Nghị định này”, Bộ trưởng Hoàng cho biết. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng nhấn mạnh, đây mới là công cụ pháp lý, điều quan trọng là các lực lượng chắc năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả một cách thường xuyên, liên tục.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được các ĐB “hâm nóng” nghị trường trong buổi chiều nay là vấn đề tiêu thụ, thu mua tạm trữ lúa gạo cho bà con nông dân. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: “Theo chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để thu mua và họ được hưởng lợi từ phần lãi suất đó hàng trăm tỷ đồng. Vậy người nông dân được hưởng lợi bao nhiêu %, bởi dư luận đánh giá, lợi nhuận chủ yếu nằm ở phần gốc, còn nông dân chỉ nắm phần ngọn. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?.

Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Phát nói: “Việc mua tạm trữ chỉ như một biện pháp hỗ trợ thị trường, chứ không phải là bao tiêu nông sản cho nông dân. Để hỗ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, các doanh nghiệp được cung cấp nguồn vốn tín dụng 7.000 tỷ đồng và thực tế phần hỗ trợ lãi suất 0% trong 3 tháng, doanh nghiệp chỉ được khoảng 200 tỷ đồng. Còn phần nông dân được là giá tăng lên khoảng 150 đồng/kg”.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Khá tiếp tục chấ vấn: “Đề nghị Bộ trưởng tính toán rõ hơn, phần nông dân được hưởng lợi là bao nhiêu % và thực tế nông dân có được hưởng lợi 30% từ sản xuất lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không?”.

Sau phần đặt câu hỏi của ĐB Khá, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là câu hỏi khó, cần tính toán, nếu Bộ trưởng có thể trả lời ngay được thì xin mời trả lời. Còn không, Bộ trưởng có thể về tính toán để trả lời sau.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát đã xin được trả lời luôn: Để nông dân có lãi 30%, thì giá lúa tại ruộng phải là 5.400 đồng/kg, song hiện giá lúa khô IR 50404 mới chỉ đạt 4.550 đồng/kg, còn lúa hạt dài là 4.750 đồng/kg, nên đúng là bà con chưa có lãi. Cái này phụ thuộc vào giá thế giới, bởi giá gạo xuất khẩu tại mạn tầu hiện mới là 6.950 đồng/kg, thì không thể thu mua với giá cao hơn cho nông dân được. Do đó, giải pháp là chúng ta cần gia tăng xuất khẩu. Còn bảo nông dân được hưởng lợi bao nhiêu % từ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, thì như đã trả lời, phần nông dân được hưởng là phần giá lúa tăng thêm. Như vậy, với 1 triệu tấn được bán ra, nông dân được lợi 100-150 tỷ đồng.

Sau câu hỏi của ĐB Khá và phần trả lời của Bộ trưởng Phát vẫn còn tới 4 ĐB khác cũng hỏi liên quan đến vấn đề sản xuất lúa, tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, do thời gian làm việc chiều nay đã hết, nên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã mời Bộ trưởng Phát tiếp tục trả lời các câu hỏi khác trong buổi sáng ngày mai (13.6).