Dân Việt

Một giáo viên tử vong ở bệnh viện Bạch Mai, gia đình không được giải thích rõ ràng

11/07/2014 20:54 GMT+7
Bệnh nhân Nguyễn Thị Tố Nga, giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm Hải Dương đã tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng những câu hỏi từ phía gia đình không được bệnh viện giải đáp rõ ràng.
Cái chết được người nhà bệnh nhân cho là “bất thường” của cô giáo Nga không chỉ khiến người nhà bệnh nhân vô cùng bức xúc mà dư luận còn đặt ra câu hỏi, phải chăng, Bệnh viện Bạch Mai “tắc trách” mới khiến bệnh nhân này tử vong?.

Bức xúc về cái chết bất thường, em gái nạn nhân, bà Nguyễn Thị Tố Quyên gửi đơn phản ánh việc chị gái bà là Nguyễn Thị Tố Nga tử vong một cách “bất thường” tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo phản ánh: Bà Nguyễn Thị Tố Nga (40 tuổi, là giáo viên tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương), nhập viện ngày 13/5/2014 với triệu chứng sốt, phù mặt giảm ba dòng và được bác sỹ chẩn đoán bệnh hệ thống (viêm mạch hệ thống).

Phiếu xét nghiệm bệnh phẩm của Khoa giải phẫu, Bệnh viện Da liễu TW
Phiếu xét nghiệm bệnh phẩm của Khoa giải phẫu, Bệnh viện Da liễu TƯ

 

Theo bà Quyên cho biết, trước đó, bệnh nhân Nga đã từng điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/4/2014 – 28/4/2014 với tình trạng sức khỏe tương đối tốt.

Tuy nhiên, sau khi bà Nga tiếp tục điều trị đến ngày 28/5/2014, thì bệnh nhân này bị sốt trở lại, cùng với đó, bệnh nhân Nga còn bị loét miệng, nổi bọng nước đầy hai chân và 2 cánh tay, sau đó loét lan ra toàn thân chiếm đến 80% diện tích cơ thể.

Ngày 12/6/2014 sau khi được các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai hội chẩn, bệnh nhân Nga đã được đưa đi xét nghiệm da tại Bệnh viện Da liễu TW và được chẩn đoán là hội chứng Lyell (thể dị ứng thuốc nguy hiểm đến tính mạng).

Cũng theo bà Quyên cho biết: Tuy nguy hiểm đến tính mạng nhưng thay vì tiếp tục cho bệnh nhân điều trị tích cực chống nhiễm khuẩn…thì bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nga ở Bệnh viện Bạch Mai lại thông báo là bệnh nhân bị bệnh ác tính, rất nặng, hỏng hết tủy và khuyên gia đình đưa bệnh nhân về nhà.

Mặc dù, bệnh nhân Nga bị sốc nhiễm khuẩn nặng nhưng mãi đến 23h30 ngày 22/6/2014 phía Bệnh viện Bạch Mai mới đưa bệnh nhân sang Khoa điều trị tích cực, song do nhiễm khuẩn quá nặng nên bệnh nhân Nga đã tử vong lúc 9h50 ngày 26/6/2014 tại Khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, để lại cho gia đình hai đứa con còn rất nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Tố Quyên bức xúc: Điều vô cùng đáng tiếc là sau khi chị tôi được đưa sang Khoa điều trị tích cực, các bác sỹ mới phối hợp với Khoa điều trị tích cực – Viện bỏng Quốc gia để băng bó vết loét ngoài da cho chị ấy – điều mà trước đây gia đình tôi đã đề nghị với Khoa dị ứng Bệnh viện Bạch Mai nhưng không được họ chấp nhận.

Một điều bất ngờ nữa, sau hội chẩn với bác sỹ Khoa dị ứng, bác sỹ ở đây còn thông báo với gia đình rằng chị tôi bị bệnh ác tính về máu, hội chứng thực bào máu, hội chứng thực bào tủy, giai đoạn cuối bệnh ác tính…

Bác sỹ hội chẩn Khoa dị ứng còn khẳng định đây không phải hội chứng Lyell trong khi tôi thấy trong hồ sơ theo dõi bệnh của chị tôi vẫn ghi “sốc nhiễm khuẩn, hội chứng Lyell”.

Ngay khi sự việc đáng tiếc xảy ra, gia đình bà Quyên đã làm đơn đề nghị Khoa dị ứng – MDLS (Bệnh viện Bạch Mai) xác định trước thời điểm ngày 22/6/2014, bệnh nhân Nga bị bệnh gì sau hai đợt điều trị tại đây?

Song, cho đến nay, gia đình bà Quyên chỉ nhận được câu trả lời không rõ ràng từ phía Bệnh viện

Theo Phiếu xét nghiệm bệnh phẩm ngày 12/6/2014 của Khoa giải phẫu, Bệnh viện Da liễu TW thì bệnh nhân Nga được chẩn đoán bị tổn thương da nặng, suy gan cấp, to viêm mạch hệ thống. Còn bệnh án của Viện bỏng Quốc gia ngày 23/6/2014 thì bệnh nhân Nga bị dị ứng toàn thân. Còn phía bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai khi trả lời gia đình bà Quyên lại đưa ra kết quả bệnh nhân bị bệnh ác tính về máu, hội chứng thực bào máu, hội chứng thực bào tủy, giai đoạn cuối bệnh ác tính…Với những kết quả như vậy, không hiểu bệnh nhân Nga bị bệnh gì và vì sao lại tử vong?

Để làm rõ hơn về nguyên nhân gây dị ứng cho chị tôi, gia đình xin được thử phản ứng Mastocyte với thuốc mà chị tôi đã dùng, đang dùng nhưng khi đến Khoa dị ứng – MDLS để lấy kết quả thì bộ phận xét nghiệm trả lời là mẫu máu bệnh phẩm của bệnh nhân không thể xét nghiệm Mastocyte vì tế bào máu bệnh nhân bị tan quá nhiều chính vì thế sẽ đem lại kết quả sai lệch. Nhân viên ở Khoa đó còn cho biết, có nhiều lý do làm tế bào máu bệnh nhân bị tan, nếu trong máu tồn tại quá nhiều chất gây dị ứng cũng gây tan tế bào. Như vậy, máu chị tôi không thử được phản ứng Mastocyte và hiện nay mẫu máu đang được niêm phong tại phòng xét nghiệm Khoa dị ứng – MDLS của Bệnh viện Bạch Mai”, bà Quyên bức xúc cho biết thêm.

Để làm rõ hơn về những thông tin phản ánh của gia đình bà Nguyễn Thị Tố Nga , ngày 10/7/2014, phóng viên đã trực tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai để liên hệ làm việc, tuy nhiên, thay vì cử những người có trách nhiệm trả lời cho báo chí thì đại diện phía Bệnh viện Bạch Mai xin khất và cho biết, khi nào sắp xếp được lịch làm việc thì sẽ thông báo lại sau.