Dân Việt

Người nông dân và “một cái gì đó”

Anh Đào 12/07/2014 05:23 GMT+7
Hồi đầu năm, khi nhận giải tại một Hội thi sáng tạo kỹ thuật, “kỹ sư lớp 8”, nông dân chính hiệu Hồ Văn Luyện, người  Quảng Nam đã nói về một “cái gì đó” thôi thúc ông sáng tạo ra chiếc máy vớt lục bình. 

Ở nghĩa đen, “cái gì đó” là một “dòng sông chết” với lục bình dày đặc. Nhưng cái lớn hơn, dù ông Luyện không nói ra, thì đó là việc những người nông dân Hai Lúa mà không tự mình mò mẫm thì cũng chẳng ai quan tâm đến họ cả.

“Cái gì đó” hôm nay rất rõ ràng ở Thái Bình khi cơ quan chức năng cấm tiệt một “kỹ sư Hai Lúa” và công trình đốt rác sinh nhiệt điện của ông. Ông là Bùi Văn Kiên- nông dân Thái Thụy, từ năm 2011 đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm chiếc máy đốt rác với “lượng điện sản sinh ra đủ thắp sáng 20 bóng đèn sợi tóc 100W, còn lượng khói đen xả ra môi trường gần như không đáng kể”.

Kết quả, ông Kiên bị cấm không cho thử nghiệm, chế tạo thêm nữa vì lý do không an toàn, mất vệ sinh môi trường. Buồn chán vì bị cấm đoán, ông Kiên dỡ bỏ toàn bộ mô hình.

Câu chuyện của ông Kiên cho thấy nhiều “cái gì đó” khác.

Rằng ở nông thôn, chưa hề có mô hình thu gom rác, người dân đang phải mang đổ xuống ao, xuống hồ và chấp nhận sống chung với ô nhiễm. Rằng người nông dân thiếu từ cái máy cắt cỏ cho đến cái vợt muỗi, nhưng cũng chẳng biết làm sao ngoài việc tự mày mò sáng chế. Và rằng, khi chẳng biết nó là cái gì thì, một cách phổ biến, cơ quan chức năng cứ “cấm tiệt” cho lành.

Ở khắp nơi, người nông dân vẫn không ngừng sáng tạo ra những mô hình, máy móc nhằm phục vụ cuộc sống, sản xuất của họ. “Kỹ sư Hai Lúa” Trần Văn Lía ở Khánh Hòa với chiếc quạt bắt muỗi với bìa các tông, bóng đèn, quạt hút của ông mỗi đêm bắt được đến 1-2 lạng muỗi.

Hay như chiếc xe cày đa năng của nông dân Lương Văn Đồng bên sông Vu Gia, xứ Quảng. Từ phục vụ nhu cầu gia đình, những chiếc máy của ông sau đó đã trở thành hàng hóa với hơn 1.000 chiếc bán khắp Bắc- Trung- Nam. Sự mày mò trong vất vả, và có giá có khi được đánh đổi bằng toàn bộ gia sản của họ cho thấy một khoảng trống lớn về cả nhu cầu và sự quan tâm.

Kalashnhikov cha đẻ của khẩu súng trường lừng danh AK-47, có lần bày tỏ ước mơ của ông là “sáng chế một cái máy có thể giúp nông dân trong công việc đồng áng hơn, thí dụ một cái máy cắt cỏ”.

Chẳng có gì là buồn cười cả. Khi sống những phút cuối của cuộc đời, có lẽ sẽ nhiều kỹ sư, tiến sĩ cũng sẽ nhận ra rằng những to tát lớn lao mà họ theo đuổi, những công trình mà họ lấy bằng tiến sĩ, sau đó xếp kho, không thể hơn một chiếc lò đốt rác.