Đĩa bay của NASA được đưa lên cao trong bầu khí quyển nhờ một khinh khí cầu nhằm kiểm nghiệm một loại dù mới, cũng như một vòng đai Kevlar có thể bơm căng và giúp làm chậm tàu vũ trụ khi hạ cánh xuống bề mặt hành tinh đỏ. Tất cả thiết bị dường như hoạt động tách rời khỏi dù.
Cuộc thử nghiệm diễn ra ở Hawaii vào cuối tuần qua và nhìn chung được đánh giá là gần như thành công. Các camera trên mặt đất và gắn trên đĩa bay thử nghiệm có tên gọi Thiết bị giảm tốc siêu âm tỷ trọng thấp (LDSD) đã ghi được hầu hết chuyến bay. Theo các chuyên gia, khinh khí cầu heli mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để đưa đĩa bay của NASA lên độ cao gần 35km rồi thả thiết bị này.
Video mô phỏng quá trình thử nghiệm, hoạt động của đĩa bay đưa người lên sao Hỏa. Nguồn: Youtube
Một động cơ tên lửa sau đó được kích hoạt, đưa LDSD lên tầng bình lưu ở độ cao trên 50km so với mặt đất và đạt tới tốc độ Mach 4 (gấp 4 lần tốc độ âm thanh) - dạng điều kiện mà một tàu thám hiểm có thể đối mặt khi tiếp cận sao Hỏa.
Khi đĩa bay bắt đầu chậm dần, nó đã sử dụng 2 hệ thống phanh hãm không khí mới. Tuy nhiên, hệ thống phanh hãm thứ hai đã hoạt động không trơn tru như dự kiến. Video quay hướng lên trên cũng hé lộ, chiếc dù siêu âm có đường kính 30 mét cũng đã không mở căng hoàn toàn.
NASA hy vọng, các bài học rút ra từ cuộc thử nghiệm này sẽ giúp họ có thể tăng trọng tải cho đĩa bay lên sao Hỏa trong tương lai. Giới hạn trọng tải của đĩa bay hiện vào khoảng 1,5 tấn. Nếu muốn đưa người lên sao Hỏa, trọng tải sẽ phải tăng lên tới hơn 10 tấn.
Đĩa bay LDSD đã rơi xuống Thái Bình Dương sau chuyến bay thử nghiệm. NASA đã phái các nhóm chuyên gia cố gắng xác định vị trí của thiết bị để có thể phục hồi hộp ghi dữ liệu của nó. Việc phục hồi sẽ mang tới cho các kỹ sư những thông tin chính xác, chi tiết nhất về những gì đã xảy ra trong cuộc thử nghiệm.
NASA dự kiến sẽ tiến hành thêm 2 cuộc thử nghiệm nữa với đĩa bay LDSD vào năm sau để đánh giá các công nghệ hạ cánh mới.