Dân Việt

“Văn hóa nam quyền” làm tăng chênh lệch giới tính

13/06/2013 06:33 GMT+7
(Dân Việt) - “Từ khi sinh ra, dựng vợ gả chồng đến lúc chết, các phong tục tập quán đều đề cao quyền lực và trách nhiệm của nam giới. Điều đó thúc đẩy nỗi khao khát con trai của mọi người” – TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhận định tại Hội thảo bàn giải pháp giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh từ góc độ giới do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 12.6.

Nghiên cứu “Sự ưa thích con trai ở Việt Nam: Ước muốn thâm căn, công nghệ tiên tiến” của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy, rất nhiều người dân đã sử dụng khoa học, kỹ thuật vào thực hành tình dục để mong có con. Ví dụ, sử dụng que thử cộng với siêu âm để xác định thời điểm rụng trứng, tiêm thuốc kích thích rụng trứng cho “đúng ngày”, sử dụng chế độ ăn hoặc dùng thuốc để giúp thay đổi môi trường âm đạo… để hy vọng “hành sự” sẽ sinh ra con trai. Ngoài ra, một biện pháp tàn nhẫn mà nhiều người đã sử dụng là “siêu âm kết hợp với phá thai để thắng ngay từ đầu”.

Theo TS Trọng, hiện nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam năm 2012 là 112,3 trẻ em nam/100 trẻ em nữ, và đang tiếp tục tăng mạnh. Một số tỉnh có tỷ số giới tính tăng mạnh như Hưng Yên 119,6/100, Hải Dương 121,4/100, Bắc Ninh 122,1/100, Bắc Giang 118,5/100… Theo ông Trọng, sự gia tăng này là do ham muốn có con trai của người dân không hề “hạ nhiệt”, lại cộng với sự phát triển công nghệ đã tạo “công cụ” cho người dân lựa chọn giới tính thai nhi thành công.

TS Trọng phân tích, khi đám cưới, nam giới chủ động trong chuyện hỏi vợ, cô dâu phải về nhà chồng, chồng là chủ hộ, nắm quyền kinh tế, con sinh ra cũng theo họ bố; con trai có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ, thừa kế phần lớn hương hỏa, được ghi tên vào gia phả, bố mẹ chết thì con trai được phép bê bát hương, thờ cúng. Vì thế, người ta lại mong muốn có con trai để tiếp nối những truyền thống, trách nhiệm và nghĩa vụ “vinh hạnh”, “vẻ vang” như vậy. “Những điều này chỉ là luật bất thành văn, không có văn bản pháp luật nào quy định, nhưng đã được truyền từ đời này qua đời khác, thâm căn cố đế trong đời sống, nhận thức của người dân. Vì thế, để tác động thay đổi là vô cùng khó khăn, cần một thời gian rất lâu dài – TS Trọng cho biết.