Theo TS Bùi Đức Hậu – Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, bé Choyang bị thoát vị vùng rốn khổng lồ bẩm sinh, đã được biểu bì hóa (tự mọc da từ lúc sau sinh trùm lên khối thoát vị).
Kích thước khối u khá lớn khoảng 15cmx15cmx10cm (gần bằng quả bóng đá), bên trong gồm gan, đại tràng và ruột non. Trong khi cơ thể bé rất gày gò, 5 tuổi nhưng chỉ cân nặng 15kg.
Người nhà cho biết, cháu Choyang sinh ra đã có khối thoát vị, tuy nhiên chỉ được điều trị tại bệnh viện huyện bằng thuốc, không mổ.
Sau đó, da mọc trùm lên toàn bộ khối thoát vị nên gia đình đưa về nhà tự chăm sóc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống xa thủ đô Viên Chăn nên gia đình cũng không đưa cháu đi khám lại nữa. Trong một lần đi công tác, các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Lào đã phát hiện ra và đưa cháu về Viêng Chăn điều trị.
Tuy nhiên, các bác sĩ Lào xét thấy khối thoát vị ở bụng quá lớn, không thể phẫu thuật cho bệnh nhi tại Lào được, nên quyết định đưa Choyang sang Bệnh viện Nhi T.Ư của Việt Nam.
Theo bác sĩ Hậu, do khối thoát vị quá lớn, cơ thể bệnh nhi quá nhỏ, cân nặng ít nên việc đưa các tạng trở lại ổ bụng và phẫu thuật phục hồi thành bụng khá khó khăn.
Phẫu thuật đóng thành bụng ngay khi bụng trẻ quá nhỏ có thể làm tăng áp lực ổ bụng, gây chèn ép tuần hoàn, hô hấp, có thể khiến bệnh nhân suy thở, dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật thì khối thoát vị càng ngày càng to, ổ bụng càng nhỏ lại (do các tạng hàng ngày bị rơi tự do ngoài ổ bụng), làm cho trẻ hoạt động khó khăn hơn, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt có nguy cơ gây xoắn các tạng, nhất là gan.
Do đó, sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định làm tăng dần thể tích ổ bụng tự nhiên, tạo sự thích nghi để tiến hành phẫu thuật tạo thành bùng một lần.
Đó là dùng một dụng cụ giống như mũ bảo hiểm, đặt úp vào khối thoát vị, kéo dây ép dần mỗi ngày, đẩy ép các tạng từ từ trở lại ổ bụng, đến khi các tạng vào hết ổ bụng (khối thoát vị xẹp xuống), thì tiến hành phẫu thuật. Hiện bệnh nhi Choyang đang được theo dõi.
TS Hậu cho biết, theo thống kê của Mỹ, tỷ lệ gặp của thoát vị vùng rốn và thoát vị qua khe hở thành bụng là 1/2000 trẻ sinh.
Vậy ở Việt Nam, với hơn 1,7 triệu trẻ sinh ra mỗi năm, số trẻ có nguy cơ mắc bệnh thoát vị vùng rốn và thoát vị qua khe hở thành bụng có thể lên tới 881 trẻ/năm ).
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng trên 20 bệnh nhân mắc bệnh này, tỷ lệ thành công trên gần 95%.
TS Hậu cũng khuyến cáo, các bà mẹ trong giai đoạn mang thai nếu siêu âm phát hiện thấy em bé bị dị tật này nên chủ động đưa trẻ tới các trung tâm phẫu thuật nhi chuyên sâu sớm ngay sau khi sinh.