Dân Việt

Vụ vây đánh CSGT ở Kon Tum: Xử lý thế nào?

13/07/2014 19:28 GMT+7
"Những hành vi như trên cần được lên án và xử lý nghiêm để lập lại trật tự kỷ cương, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người thi hành công vụ và duy trì trật tự, an toàn xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội đánh giá.
Vụ việc CSGT tỉnh Kon Tum đang làm nhiệm vụ thì bị hàng trăm người dân bao vây và một số đối tượng quá khích đòi hành hung khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, vào ngày 8.7, đối tượng Nguyễn Quang Minh (SN 1996, trú tổ 4, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum) và nam thanh niên ngồi khi điều khiển xe mô tô mang BKS 82B1-221.20 không những không đội mũ bảo hiểm mà còn bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT.

Khi bị 5 xe của lực lượng CSGT truy đuổi, 2 đối tượng trên còn lạng lách, đánh võng, dùng dép, cởi áo ném dép, vẫy tay thách thức CSGT. Khi đến đoạn đường đông dân cư, các đối tượng còn kích động người dân tụ tập, bao vây để cản trở việc truy đuổi. Không dừng lại ở đó, chúng còn chặn xe, lăng mạ, đòi hành hung cảnh sát giao thông tỉnh Kon Tum.

img

Đối tượng khoanh vòng tròn đỏ được xác định là người ngồi sau khiêu khích lực lượng cảnh sát giao thông.

Trao đổi với PV về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông của 2 đối tượng trên phải bị xử lý hành chính theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn tại Điều 5, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính Phủ.

img

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Việc Thượng tá Trần Thanh Nhã, Phó công an TP Kon Tum bước đầu lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe của các đối tượng trên theo Luật sư Đặng Văn Cường là hoàn toàn đúng pháp luật.

Riêng hành vi dùng dép, cởi áo ném về phía CSGT của hai đối tượng trên khi đang điều khiển xe và lợi dụng lúc đông người, lộn xộn ném vật cứng trúng vào vùng vai phải của Thiếu úy Đinh Lê Mạnh Hùng, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định là đã có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, Điều 257 Bộ luật hình sự quy định rõ:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm”.

"Nếu hành vi chống người thi hành công vụ mà gây thương tích cho nạn nhân hoặc chết người thì người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự hoặc tội Giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự", Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đối tượng Nguyễn Quang Minh và nam thanh niên ngồi sau xe Minh (hiện chưa xác định rõ danh tính) thì những người dân mặc dù không tham gia giao thông nhưng có những hành vi: dùng gạch, đá… ném vào CSGT, CSCĐ (những người đang thực hiện nhiệm vụ, công vụ) cũng có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ.

Sự việc người dân vây đánh CSGT trên địa bàn TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum những ngày qua chỉ là một trong những ví dụ của tình trạng người dân không chấp hành hiệu lệnh và chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hiện nay.

"Những hành vi như trên cần được lên án và xử lý nghiêm để lập lại trật tự kỷ cương, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người thi hành công vụ và duy trì trật tự, an toàn xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá.