Dân Việt

Bồi thường 650 triệu đồng cho 2 tấn bạch tuộc chết: Trách nhiệm thuộc Phòng CSMT

13/06/2013 08:20 GMT+7
(Dân Việt) - Lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cho biết, trách nhiệm bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho người dân Cần Giờ thuộc về cá nhân các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát môi trường.

Ngày 12.6, đại tá Cao Ngọc Lan - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi xem xét vụ việc 2 tấn bạch tuộc của người dân bị chết, chiều 11.6, Công an tỉnh Hải Dương đã làm việc trực tiếp với gần 40 người dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) và quyết định bồi thường 650 triệu đồng.

Bồi thường “nóng”

Theo đại tá Cao Ngọc Lan, khi vào tận nơi, tiếp xúc với bà con nông dân huyện Cần Giờ mới thấy sự cực nhọc của họ để có sản phẩm nói trên mang đi tiêu thụ, nên mặc dù theo kế hoạch đại diện công an tỉnh chỉ xác định vào làm rõ vụ việc và bàn phương án giải quyết nhưng đại tá Lan đã xin ý kiến Ban Giám đốc Công an tỉnh để vay tiền và bồi thường luôn cho các hộ dân.

img
Người dân tập trung ở cửa trụ sở Phòng Cảnh sát môi trường Hải Dương đòi bồi thường hôm 29.5.

Bà Nguyễn Thị Thủy - đại diện cho các hộ dân cho biết, trước việc lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương thẳng thắn nhận trách nhiệm và bồi thường “nóng” cho dân, nhiều người dân đã hết sức xúc động. “Chúng tôi đã xác định đây là tai nạn nghề nghiệp của cơ quan chức năng, cả hai bên đều không muốn xảy ra việc này. Tôi mong rằng không bao giờ có chuyện tương tự xảy ra nữa” – bà Thủy xúc động chia sẻ.

Trước đó, như Dân Việt đã phản ánh, khoảng 22 giờ ngày 27.5, anh Nguyễn Quang Hưng điều khiển xe tải biển số 14C- 065.38 vận chuyển 2 tấn bạch tuộc tươi sống của gần 40 người dân huyện Cần Giờ gửi từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đi Móng Cái, Quảng Ninh để tiêu thụ. Đến địa bàn thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương), chiếc xe bị Trạm CSGT tỉnh này kiểm tra, bàn giao cho Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh tạm giữ với lý do không xuất trình được giấy kiểm dịch, nguồn gốc hàng hóa... Trong quá trình đưa hàng hóa về bãi xe, lập biên bản hành chính, do không có biện pháp bảo quản nên toàn bộ 2 tấn bạch tuộc đã bị chết.

Xác định việc Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ, xử lý lô hàng là vi phạm thủ tục hành chính, vi phạm quy định về kiểm dịch thủy sản vì bạch tuộc không nằm trong danh mục công bố dịch, chiều ngày 28.5, một số người dân huyện Cần Giờ đã tới trụ sở Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hải Dương đòi bồi thường, đồng thời có đơn gửi Bộ Công an. Tiếp đó, chiều 9.6, Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ diễn biến quá trình kiểm tra, xử lý vụ việc liên quan lô hàng 2 tấn bạch tuộc.

Gây thiệt hại, phải bồi thường

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cho biết thêm, trách nhiệm bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho người dân Cần Giờ thuộc về cá nhân các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát môi trường, những người liên quan trực tiếp tới vụ việc. Công an tỉnh Hải Dương cũng sẽ họp để xem xét hình thức xử lý thích đáng đối với những cán bộ, chiến sĩ liên quan đến vụ việc này.

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến, trong vụ việc này, Công an tỉnh Hải Dương nhận trách nhiệm là đúng, bởi khi tạm giữ tài sản của người ta thì phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tài sản đó. Việc để tài sản tạm giữ bị hư hại, việc bồi thường là đương nhiên.

Quyết định này cũng khá hợp lý, theo phân tích của luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) thì những người thực thi công vụ có hành vi sai phạm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì những người đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đơn vị của người thực thi công vụ là pháp nhân phải đứng ra giải quyết. Việc bồi thường bắt đầu từ việc 2 bên tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án giải quyết.

Cũng theo luật sư Tiến, sau khi giải quyết xong việc bồi thường với người dân, đơn vị đó sẽ tiến hành giải quyết nội bộ để xác định trách nhiệm của từng cá nhân khi thi hành công vụ có hành vi sai phạm dẫn tới việc phải bồi thường. Nếu hành vi sai phạm là do cố ý gây hậu quả thì người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó là trách nhiệm dân sự, nghĩa là phải bồi hoàn khoản tiền mà cơ quan đã “tạm ứng” để giải quyết. Trong trường hợp hành vi sai phạm chỉ là do vô ý thì người đó phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự, sau đó là hình thức kỷ luật của cơ quan nơi mình công tác tùy theo mức độ xử lý, từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến cao nhất là buộc thôi việc.