Thưa ông, chương trình đánh bắt xa bờ trước đây đã bị thất bại và hệ quả của nó là ngư dân đã không thể cải hoán tàu thuyền để vươn khơi. Việc Chính phủ vừa ban hành NĐ 67, ông đánh giá như thế nào?
Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách NNPTNT (Viện Quản lý kinh tế T.Ư - CIEM)
- Chương trình đánh bắt xa bờ trước đây thất bại là vì tư duy dự án, người ta chỉ nghĩ đây là một dự án, xong thì thôi. Hoàn cảnh bây giờ đã khác. Việc dành các ưu đãi phát triển biển đảo là nhu cầu bức thiết, sống còn của đất nước. Nếu nói về hiệu quả kinh tế, chưa chắc NĐ này đã ngay lập tức đem lại kết quả to lớn nhưng xét về tổng thể lợi ích xã hội, đất nước thì nó là hướng đi đúng và hiệu quả về mặt dài hạn là sẽ đạt được.
Bởi trong tình hình Biển Đông như hiện nay, nếu không có hỗ trợ ngư dân sẽ không thể ra khơi, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. NĐ này của Chính phủ không chỉ là “có tiếng” mà là một chính sách khá toàn diện với sự hỗ trợ “ra tấm, ra món” để giúp ngư dân vươn khơi. Đây là bước đột phá, giúp cho ngành thủy sản khai thác tiềm năng kinh tế biển.
Nhưng cũng đã có không ít ý kiến băn khoăn về các chính sách chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang vỏ thép cũng như việc nâng cao trình độ của ngư dân, thưa ông?
- Dự án tàu vỏ thép cho ngư dân nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, bởi chúng không chỉ bảo vệ ngư dân trước hiểm họa thiên nhiên mà còn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản…
Với NĐ này, Chính phủ có chính sách chung hỗ trợ ngư dân bám biển bằng cách cho vay với lãi suất ưu đãi để đóng mới và sửa chữa tất cả các loại tàu, kể cả tàu vỏ thép, vỏ nhựa và tàu gỗ, chứ không riêng tàu vỏ thép. Chúng ta từng đóng tàu vỏ thép phục vụ ngư dân nhiều năm qua, với nhiều loại công suất khác nhau.
Trước năm 1975, những tàu vỏ thép đã đi đánh bắt khắp vịnh Bắc Bộ, tạo ra một ngành thủy sản mạnh. Thời gian gần đây, do gỗ ngày càng hiếm nên giá thành tàu gỗ ngày càng cao. Do vậy, việc thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép hoặc composite sẽ diễn ra theo quy luật phát triển.
Vậy với các chính sách đặc biệt ưu đãi của Chính phủ để nâng cấp tàu cá cho ngư dân, chúng ta sẽ triển khai thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất?
- Chuyển sang tàu vỏ thép và tàu vỏ nhựa, không đơn giản có tiền là xong. Ngư dân của ta đang quen với các tàu đánh bắt cá nhỏ, nay nếu đóng tàu cá hiện đại thì băn khoăn là đúng. Cụ thể là máy nào đi với tàu đó, tàu lớn đòi hỏi thuyền trưởng được đào tạo bài bản ra sao?… Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề tàu vỏ thép hay tàu vỏ gỗ không quan trọng bằng khâu hậu cần nghề cá.
Cùng với chính sách này, Chính phủ đã dự kiến thành lập một trung tâm hậu cần nghề cá và đội cảnh sát biển để bảo vệ ngư dân. Việc hình thành các khu vực thu gom thủy hải sản ngay trên biển, nhất là ở Hoàng Sa, Trường Sa với những tàu hậu cần lớn, đóng gói sản xuất ngay trên đại dương mới thực sự làm thay đổi thói quen khai thác ngư trường hiện nay.
Chúng ta còn phải có hạ tầng cơ sở sản xuất, bảo dưỡng, bảo trì tàu vỏ thép, tàu vỏ nhựa với quy mô hàng chục nghìn tàu cá hiện đại... Với tàu vỏ thép đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, ngư dân sẽ an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi xa. Với vận tốc cao (9 - 11 hải lý/giờ), thời gian ra khơi của tàu vỏ thép ngắn hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn tàu gỗ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng với các chính sách lần này, ngư dân phải là chủ thể của nguồn vốn, phải được toàn quyền quyết định việc đóng con tàu của mình như thế nào, thưa ông?
- Đúng như vậy. Nếu chỉ đóng tàu to mà không phù hợp với tính năng các nghề của ngư dân cũng không sử dụng hiệu quả được. Tôi cho rằng, để các NĐ này thực sự đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp nên về các địa phương xây dựng nhà máy đóng tàu để sau đó có thể giám sát, sửa chữa các tàu đó.
Chủ tàu phải là những ngư dân có năng lực thực sự về tài chính, đồng thời là người đã có tàu và tham gia khai thác biển khơi. Để xác định đúng đối tượng được vay vốn theo chính sách này, các địa phương cần bình chọn công khai để đưa ra danh sách các chủ tàu có tiềm năng, năng lực có thể được đóng tàu.
Xin cảm ơn ông!