Dân Việt

Atlat địa lý bị đối xử “bất công”

Đỗ Tấn Ngọc 14/07/2014 09:13 GMT+7
Đợt 2, đợt 3 kỳ thi ĐH-CĐ năm 2014 có rất nhiều trường và nhóm ngành thi khối C. Tuy nhiên, nhiều thí sinh thi khối C, bước vào buổi thi môn địa lý với tâm trạng rất băn khoăn vì không được đem Atlat địa lý vào phòng thi. 

Trong khi đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em chọn thi môn này đều được sử dụng Atlat địa lý khi thi theo Điều 20, Quy chế thi tốt nghiệp THPT (quy định những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi). Thực tế, những năm qua, khi thi môn địa lý, các thí sinh đều đem Atlat vào phòng thi và sử dụng khá hiệu quả. Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ lâu nay không đề cập đến việc thí sinh có được mang Atlat địa lý hay không. 

Chính sự thiếu rõ ràng này đã xảy ra hiện tượng không thống nhất, có hội đồng thi cho phép thí sinh mang vào, có hội đồng thi thì không. Khi được hỏi về nội dung bất nhất trên, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), khẳng định với báo chí rằng thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ không được mang Atlat địa lý vào phòng thi. Về điểm này, chúng tôi thấy cách làm của Bộ GDĐT không ổn. Bởi lẽ, trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành, Atlat địa lý không quy định cụ thể, rõ ràng là có được đem vào phòng thi hay không. Hơn nữa, tại sao lại có sự bất nhất, thi tốt nghiệp THPT Atlat địa lý thì được đem vào phòng thi, còn thi ĐH,CĐ thì không? Nhiều thí sinh dự thi khối C, có môn địa lý năm nay tỏ ra rất băn khoăn về quy định trên của Bộ GDĐT. 

Về phía giáo viên, thầy Nguyễn Đắc Vương, giáo viên môn địa lý, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) cũng bày tỏ: “Tôi thấy đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH,CĐ môn địa lý cũng xuất phát từ một chương trình, một nội dung như nhau. Do đó, không có lý do gì quy định khác nhau giữa 2 kỳ thi. Thực ra, 2 đề thi đó, có khác chỉ ở mức độ dễ, khó, tính phân loại giữa hai kỳ thi mà thôi. 

Đề nghị Bộ GDĐT nên đưa ra quy định thống nhất, cho đem vào hết hoặc là không”. Mặt khác, khi ban hành văn bản pháp quy, cụ thể là Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ, Bộ GDĐT cần có sự rà soát, nghiên cứu để tránh hiện tượng mơ hồ, thiếu rõ ràng như trường hợp trên, tránh chuyện Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ thiếu hiệu lực, phụ thuộc vào nhiều văn bản hướng dẫn khác, gây khó hiểu và bị động cho thí sinh.