Bố là kỹ sư, mẹ bác sỹ, từ bé Lê Khánh Ngân (19 tuổi) đã được tiếp xúc với nhiều lý giải khoa học về các vấn đề trong thực tế cuộc sống. Càng lớn, em càng hứng thú tìm câu trả lời logic, rõ ràng.
Học chuyên Anh trường Hà Nội-Amsterdam, Khánh Ngân lập ra câu lạc bộ Khoa học mở mà nhiều người gọi các thành viên là "dân SOS". Tại đây em cùng hơn 20 học sinh khác thỏa sức mày mò với bộ đồ dụng cụ thí nghiệm. "Có lần, cả nhóm đã được phen mặt mũi mũi lấm đen vì chế tạo pháo hoa nhưng bù lại chúng em biết cách pha chế các chất thế nào để được màu ưng ý", Ngân cười khì nhớ lại.
Lê Khánh Ngân, cựu Amser đã nhận được học bổng toàn phần ngành kỹ thuật của Cornell University – một trong những trường Ivy Leagues danh giá nước Mỹ - top 15 đại học hàng đầu thế giới. Ảnh: NVCC..
Năm lớp 11, Khánh Ngân tham gia Hội thi Intel ISEF - cuộc thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9-12. Ý tưởng tái sử dụng giấy ăn cho mô hình trồng rau mầm của Amser này đã vượt qua hơn 40 dự án khác, đạt giải Ba vòng quốc gia.
Mô hình này không những giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy của giấy đã sử dụng mà còn tiết kiệm công chăm sóc vì chỉ cần tưới một lần duy nhất rồi sau 3-4 ngày có thể thu hoạch rau mầm sạch. Để hoàn thành đề tài này, nhóm của Ngân phải vất vả chạy ngược, chạy xuôi thử nghiệm khá nhiều, nghiên cứu suốt 4 tháng.
Nữ sinh này cũng tự nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu tận dụng công nghệ tế bào gốc và nuôi cấy mô, tế bào trong phòng thí nghiệm để từ một số tế bào đã biệt hóa ở người như tế bào da, cơ hay tế bào gan, sẽ nuôi sống một số nột tạng người hoàn chỉnh. Các nội tạng hoàn chỉnh này có thể dùng để cấy ghép trở lại cho người bệnh.
Khánh Ngân đưa ý tưởng nghiên cứu tế bào gốc vào hồ sơ xin học bổng tại Cornell University – một trong những trường thuộc tốp 15 đại học hàng đầu thế giới. Cùng bài luận nêu bật niềm đam mê khoa học, bảng điểm đáng nể, điểm SAT II gần như tuyệt đối: Toán II: 800/800, Vật lý: 800/800, Sinh học phân tử (Bio M): 780/800, Sinh học môi trường (Bio E): 760/800… hồ sơ của Ngân đã lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển sinh.
"Năm đó đại học Cornell đạt kỷ lục về lượng hồ sơ xin học bổng với 40.000 bộ. Tỷ lệ chọi vào trường khá cạnh tranh 15,5%. Đại học này vốn hạn chế trao học bổng cho học sinh quốc tế, nhất là người học cấp 3 tại Việt Nam. Với những yếu tố trên, em thấy mình khá liều lĩnh khi vẫn nộp hồ sơ vào. Nhưng em thích ngôi trường này và mang quan điểm sống "ở đời phải mơ lớn và mạo hiểm một chút" nên cứ gửi", nữ sinh nói.
Sau 3 tháng hồi hộp chờ đợi, cuối cùng Khánh Ngân nhận được thư đồng ý cấp học bổng 100% khá sớm từ Cornell University. Thường những người xuất sắc, hoặc được nhà trường ưu ái mới có tên trong danh sách nhận thư sớm này. Tính cả Khánh Ngân, hiện bậc đại học của Cornell University có 10 sinh viên Việt Nam, trong đó 5 người học cấp 3 trong nước, số còn lại đi du học từ sớm.
Học bổng của Khánh Ngân khiến nhiều Amsers nể phục. "Cornell là một trong 8 trường Ivy League mà khi em định gửi hồ sơ vào thì mọi người đều bảo nó dị lắm, khó nhận cực kì. Trường đó toàn học sinh giỏi mà Ngân được nhận vào", Nguyễn Siêu – Amser đoạt học bổng điện ảnh hơn 4 tỷ đồng của Vassar College (Mỹ) nhận xét. Theo nam sinh học cùng lớp với Khánh Ngân này, ngày cấp 3, Ngân tạo được ấn tượng tốt với bạn bè, thầy cô bởi học giỏi đều các môn, nói chuyện lưu loát và lập luận logic rất thuyết phục.
Tại Cornell University, Khánh Ngân phải đối mặt với khá nhiều áp lực từ cuộc sống tự lập và chương trình học nặng. "Các giáo sư luôn nói rằng, một kỹ sư thường phải làm việc ngoài giờ nhiều thời gian và sinh viên cũng cần làm quen dần với điều kiện áp lực ấy. Mỗi tuần các thầy cho một bài tập lớn và khó yêu cầu tìm hiểu nhiều tài liệu", nữ sinh kể.
Áp lực từ danh tiếng trường tốp, xung quanh các sinh viên đều miệt mài học tập, nghiên cứu và kỳ vọng của gia đình đôi khi cũng khiến Ngân căng thẳng. Tuy nhiên vì được học theo đúng đam mê nên 2/2 học kỳ, Khánh Ngân đều có tên trong danh sách sinh viên có kết quả học tập tốt. Em cũng được Hội sinh viên giỏi quốc gia Mỹ (The National Society of Collegiate Scholars) mời làm thành viên.
Ngoài học tập, ở Cornell University, Khánh Ngân còn tham gia Nhóm Đại sứ tuyển sinh Quốc tế, giúp các sinh viên năm nhất tìm hiểu về trường. Em cũng là từng cùng một số sinh viên Việt Nam tại Cornell tổ chức nấu nướng, trình diễn thời trang truyền thống Việt Nam để quảng bá đất nước mình tới bạn bè quốc tế. Chương trình "Phở Night" của nhóm Khánh Ngân đã thu hút trên 200 giảng viên, sinh viên trong trường tham gia.
Hè này về Việt Nam, Khánh Ngân tham gia thực tập bộ môn Vi sinh tại bệnh viện Bạch Mai để trải nghiệm thực tế trong phòng thí nghiệm và hiểu thêm, làm quen với kỹ thuật mới. Ước mơ sau này của Ngân là trở thành một kỹ thuật viên xét nghiệm, hoặc chuyên gia y sinh.