Dân Việt

"Chat" với chàng trai lọt vào top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới

15/07/2014 10:34 GMT+7
Với những thành tích đáng nể, chàng trai sinh năm 1984 này dễ dàng chọn ở lại giảng dạy đại học hoặc làm việc cho một tập đoàn lớn nào đó với mức lương "khủng". Nhưng anh đã từ chối và chấp nhận về nước làm việc.

img
Là một trong 3 thủ khoa đại học Kinh tế và Chính Trị London, thủ khoa Kinh tế trong hệ thống các trường đại học tại London, sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới 2006, bảo vệ thành công luận án Tiến ở đại học Stanford (Mỹ) và cũng 5 lần đoạt giải thưởng giảng viên giỏi nhất tại đại học Stanford này.

Với những thành tích đáng nể, chàng trai sinh năm 1984 này dễ dàng chọn ở lại giảng dạy đại học hoặc làm việc cho một tập đoàn lớn nào đó với mức lương "khủng". Nhưng anh đã từ chối và chấp nhận về nước làm việc.

Xin chào anh Nguyễn Chí Hiếu. Động lực nào đã đưa anh quay về Việt Nam? Và Vì sao anh lại chọn thời điểm mới tốt nghiệp để về chứ không phải thời điểm nào khác?

- Đất nước nghèo khó này đã sinh ra và nuôi mình lớn lên nên mình phải về để xây dựng quê hương là điều hiển nhiên thôi. Mình nghĩ nước Mỹ có thêm mình cũng chẳng giàu hơn, còn về Việt Nam thì mình có thể sẽ đóng góp được chút gì đó.

Hơn nữa đây là lúc mình có thể cống hiến nhiệt huyết nhất khi chưa phải vướng bận nhiều vào chuyện gia đình, vợ con...

Thời gian rảnh anh thích du lịch đây đó. Những chuyến đi là trải nghiệm và khám phá thú vị về văn hóa của người bản địa.

Nguyên nhân nào anh chọn môi trường giáo dục để cống hiến?

- Thực ra đây là câu hỏi làm mình mất ăn mất ngủ nhiều nhất trước khi quyết định về nước. Nếu vào làm cho các công ty đa quốc gia lương sẽ cao. Nhưng nếu cần tiền mình đã ở lại Mỹ.

Trong lúc phân vân mình nhận được thông tin của một nhóm học sinh mình đã giúp trong dịp hè về Việt Nam cách nay 2 năm. Các bạn khoe nhờ những kiến thức, kinh nghiệm của mình hướng dẫn mà giờ đây các bạn có thể tự tin đi tìm học bổng du học.

Ngay lập tức mình tự nghĩ sao không bắt đầu bằng giáo dục nhỉ. Mình sẽ thử nghiệm 10 năm đầu khi mới ra trường. Nếu sai vẫn còn thời gian để sửa.

Tốt nghiệp trường chuyên ngành kinh tế tại sao anh đi làm giáo dục?

- Rút kinh nghiệm từ bản thân và các bạn luôn có rất nhiều băn khoăn trước khi ra nước ngoài học tập, mình quyết định tham gia vào lãnh vực này để có thể giúp cho những em thực hiện ước mơ du học của mình.

Vì vậy hiện nay với cương vị là Giám đốc Nhân sự và Giám dốc Chiến lược Sản phẩm, học viện Yola cho mình cơ hội xây dựng một mô hình giáo dục tốt, có đội ngũ quản lý có chuyên môn, giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận được nhiều cơ hội học tập ở nước ngoài. Hy vọng 10 năm nữa sẽ có một thế hệ du học sinh có chất lượng về xây dựng đất nước.

Ngoài công việc chính ở Học viện Yola anh còn đi "truyền lửa" cho các bạn sinh viên khắp cả nước.

Là một người may mắn khi được tiếp xúc với hai nền giáo dục tiến tiến nhất thế giới hiện nay Anh và Mỹ anh có nhận xét gì nền giáo dục của nước ta hiện nay?

- Theo mình thì giáo dục mỗi nước có ưu việt riêng. Với nền giáo dục của Mỹ họ dạy nhiều thứ, cái gì cũng biết, nhưng không sâu! Còn cách giáo dục ở Anh thì trái ngược hoàn toàn. Họ dạy rất chuyên sâu về chuyên môn mà xem nhẹ các môn khác!

Với giáo dục Việt Nam hiện nay cũng có nhiều ưu việt đó chứ! Bằng chứng là mình là cựu sinh trường THPT Lê Hồng Phong Tp.HCM, đi du học mình là một trong 3 thủ khoa của đại học Kinh tế và Chính Trị London, thủ khoa Kinh tế trong hệ thống các trường đại học tại London, sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới 2006. Và đã bảo vệ thành công luận án Tiến ở đại học Stanford (Mỹ) và 5 lần đoạt giải thưởng giảng viên giỏi nhất tại đại học Stanford này.

Các bạn đừng quá "bi quan" với cách học của chúng ta hiện nay. Nhờ cách học thuộc lòng, học nhiều mà giúp mình nói riêng, và du học sinh Việt Nam luôn nắm chắc vần đề và nhớ rất lâu.

Tuy nhiên các bạn học sinh Việt Nam lúc đầu mới đi du học chỉ hơi kém chủ động chút ít, có lẽ vì không có điều kiện để thực tập và trải nghiệm như các bạn nước ngoài. Còn khi đã thích ứng được rồi thì sinh viên Việt Nam học không thua ai đâu!

Anh có thể chia sẻ một số bí quyết thành công của mình với các bạn học sinh hiện nay được không?

- Thực ra mình chẳng có bí quyết gì đâu! Chỉ là có một kế hoạch học ngay từ đầu, hàng ngày mình dành buổi sáng và chiều để học bài sau đó mình đi chơi thoải mái.

Theo mình khi học phải biết lắng nghe bạn bè, thầy cô. Không phải tiến sĩ du học về, hoặc là trong tốp 100 sinh viên giỏi nhất thế giới, thì cái gì cũng biết, có rất nhiều cái không phải là thế mạnh của mình. Điều này rất nhiều bạn du học sinh mắc phải.

Cách giáo dục ở nước ngoài luôn bắt mình đặt vấn đề tại sao, đồng thời luôn có thái độ cầu thị. Đó chính là cách giúp mình thành công đến ngày hôm nay.

Các bạn hãy mạnh dạn trải nghiệm và tự tin. Hãy có kế hoạch cho riêng mình trong bất cứ việc gì. Ví dụ từ bản thân, mình sinh ra và lớn lên ở Bình Định, sau khi học hết lớp 11 mới chuyển vào trường chuyên Lê Hồng Phong.

Học xong lớp 12 mình kiên trì "đi săn" học bổng. Cơ hội đến với mình là một suất đi học toàn phần ở Anh. Ngay nay các bạn có lợi thế hơn mình lúc trước vì có nhiều người giúp đỡ. Hãy tự tin thực hiện ước mơ của mình!