Dân Việt

Ngư dân Lý Sơn bày tỏ trên báo Đức: "Tôi không sợ Trung Quốc"

14/07/2014 19:07 GMT+7
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông khiến đời sống của các ngư dân Việt Nam thêm vất vả, nhưng họ quyết bám ngư trường truyền thống, chấp nhận khó khăn mất mát, không sợ tàu của Trung Quốc.

Cách đất liền không xa, huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi là dấu tích còn lại của một ngọn núi lửa. Những cánh đồng trồng tỏi xanh mượt, những con thuyền đánh cá sơn màu xanh, đỏ dập dềnh đậu trên bến, khiến nơi đây thoạt trông như một thiên đường.

Tuy nhiên đó chỉ là cái nhìn ban đầu, bởi lúc lại gần mới thấy, nơi đây phủ đầy những cột sóng radio. Trên đỉnh núi Thới Lới còn có hẳn một trạm rada kiểm soát tàu thuyền đi lại trong khu vực Biển Đông và cột cờ tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió.

Đảo Lý Sơn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Việt Nam và người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa (tên quốc tế Paracel) là ngư trường truyền thống của người dân đảo Lý Sơn. Quần đảo này bị Trung Quốc xâm chiếm sau trận hải chiến với Việt Nam diễn ra năm 1974.

img

Anh Bùi Văn Minh phải dùng la bàn, thứ còn lại duy nhất sau khi bị tàu của Trung Quốc tấn công, mới trở về được đảo Lý Sơn. Ảnh: Rodion Ebbighausen. Ảnh: Rodion Ebbighausen..

Với những người dân sống trên đảo, tranh chấp trên mang tính địa chính trị. Hàng ngày, họ vẫn ra khơi trên những con tàu gỗ nhỏ để mưu sinh. Chuyến đi của họ kéo dài hàng tháng trời chỉ mong kiếm được chút gì nuôi sống gia đình. Công việc đánh bắt ngày càng khó khăn, do đó hầu như họ phải ra khơi quanh năm mới mong có cá. Mùa mưa bão kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 khiến cuộc sống của họ trở nên vất vả, chưa kể những lần đụng độ với tàu của Trung Quốc trên biển.

Anh Lê Túc sinh ra trong một gia đình có truyền thống bám biển. Bản thân anh là một ngư dân chuyên đánh bắt tại ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa. 19h ngày 3.6, tàu của anh gồm 11 người bị tàu Hải giám của Trung Quốc tấn công.

Khi tàu cá của anh đang hoạt động tại một bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ bị hai tàu hải giám của Trung Quốc rượt đuổi. Một tàu đã dùng vòi rồng xịt mạnh làm vỡ phần kính cản gió ở cabin trên tàu của anh Túc. Mảnh kính vỡ văng trúng một ngư dân trên thuyền. Vòi rồng còn hất bay la bàn, các dụng cụ, ngư lưới cụ hành nghề xuống biển, gây hư hỏng ăng ten radio cùng nhiều thiết bị khác. Rạng sáng hôm sau, anh Túc mới đưa được thuyền của mình về đảo Lý Sơn để sơ cứu cho người bị thương.

10 ngày sau đó, sự việc tương tự cũng xảy ra với anh Bùi Văn Minh khi thuyền của ngư dân này đang hoạt động tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu Trung Quốc đã yêu cầu hai thành viên trong đội anh Minh đang lặn hải sâm phải quay lại thuyền nhưng họ đã từ chối.

Sau đó, một số người Trung Quốc đã tấn công hai ngư dân này, phá hủy các thiết bị kỹ thuật trên tàu anh Minh và bắt họ chuyển tất cả những gì đã đánh bắt được lên tàu của mình. Không còn hệ thống định vị và radio liên lạc, anh Minh phải dùng la bàn, thứ còn lại duy nhất sau khi bị tàu Trung Quốc phá, để cho thuyền quay trở lại đảo Lý Sơn.

Theo tờ DW của Đức, nhà hoạt động xã hội người Pháp, Andreas Menras, từng có nhiều dịp tới các làng chài Việt Nam đã thống kê được số lần tàu Trung Quốc tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt. Ông Andreas cho hay, từ năm 2002 đã có 700 lần đụng độ giữa hai bên trong vùng biển tranh chấp và quốc tế.

Cùng khoảng thời gian đó có 30 tàu cá của Việt Nam bị đánh chìm hoặc tịch thu. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hồi đầu tháng 5 năm nay, số vụ tấn công tàu đánh cá Việt Nam tăng lên đáng kể.

Đảo Lý Sơn có khoảng 20.000 người sinh sống. Một nửa trong số này trực tiếp hoặc gián tiếp sống bằng nghề đi biển. Nếu không còn được đánh bắt cá ở Hoàng Sa, họ sẽ mất đi nguồn sống của mình.

"Nhiều thế hệ của gia đình tôi đã đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, bởi vậy, không ai có thể đuổi tôi ra khỏi đó được", anh Túc chia sẻ. Sau lần bị Trung Quốc tấn công, anh Túc đã phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng để sửa chữa tàu. Ngoài ra, anh còn mất đi ba tuần thu nhập vì chưa thể ra khơi được khi chưa có tàu.

Giống như nhiều ngư dân khác, Lê Túc mong nhận được hỗ trợ của chính phủ Việt Nam bởi nếu chỉ có sự giúp đỡ từ các cá nhân, tổ chức thì khó có thể bảo vệ được nguồn tài nguyên biển một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, dù có hay không sự trợ giúp này, anh Lê Túc và anh Bùi Văn Minh vẫn quyết tâm tiếp tục đánh bắt ở vùng biển tranh chấp. "Tôi không sợ Trung Quốc. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những mất mát trong thời gian qua", anh Túc nói. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hung hãn, anh Minh cho hay, một ngày nào đó, họ sẽ phải tự bảo vệ.