Dân Việt

Khó tiếp cận vốn tái canh cà phê, nhà nông e ngại

TS Đặng Thị Hà 15/07/2014 13:00 GMT+7
Hiện nay, việc triển khai nguồn vốn tín dụng tái canh cà phê trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên còn gặp nhiều vướng mắc, nên nhiều doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Gia Lai mới giải ngân 21 tỷ đồng

Với lợi thế về tiềm năng thổ nhưỡng, cây cà phê ở Gia Lai đã khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực mang lại lợi ích kinh tế cao góp phần quan trọng xoá đói, giảm nghèo nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Xác định cà phê là lĩnh vực đầu tư mũi nhọn, những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực mở rộng đầu tư tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững các vùng chuyên canh cây cà phê. Chỉ trong năm 2013, doanh số cho vay đầu tư cà phê đã đạt trên 9.300 tỷ đồng, theo đó dư nợ tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm qua đạt khá cao (33,8%), do đó ngành cà phê của tỉnh đang rất cần một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài về nguồn vốn cũng như phương án để ổn định phát triển bền vững trong tương lai.

Để cây cà phê tiếp tục phát triển bền vững và chất lượng hơn trong thời gian tới, giai đoạn từ nay đến năm 2020 tỉnh cần tái đầu tư khoảng 27.000ha cà phê (chiếm trên 30% tổng diện tích) đã đến thời kỳ già cỗi, kém năng suất, chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai cho rằng, nguồn vốn cho vay tái canh cây cà phê không thiếu nhưng việc triển khai còn hạn chế và chậm.

Đến nay, ngân hàng mới giải ngân hơn 21 tỷ đồng. Vì vậy, để các doanh nghiệp và người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn này, các địa phương cần sớm có khảo sát, quy hoạch lại vùng tái canh, diện tích cần tái canh và xác định lại cây con giống phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng đất...

Nhà nông e ngại

Đăk Lăk là địa phương có diện tích cà phê vối nhiều nhất nước nhưng cũng có diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh... nhiều nhất. Thế nhưng, các hộ sản xuất cà phê ở đây lại chưa “mặn mà” với nguồn vốn tín dụng vay để tái canh cà phê nên việc tái canh vẫn còn chậm so với kế hoạch.

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, mức đầu tư tái canh đã tăng lên từ 100-150 triệu đồng/ha; trong khi đó, quy định Ngân hàng NNPTNT chỉ tham gia tối đa 80%, phần còn lại là vốn tự có của các hộ, vì vậy dẫn đến việc các hộ thiếu vốn tái canh cà phê. Bởi theo các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê Đăk Lăk, mức lãi suất như hiện nay vẫn còn cao, thời gian hoàn vốn chỉ trong 7 năm là quá ngắn.

Ông Lê Thung ở thôn 2, xã vùng sâu Ea Kpam, huyện Cư M’gar (ĐăkLăk) có 2ha cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém nhưng vẫn không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư tái canh cà phê. Bởi theo ông, khi thực hiện tái canh theo đúng quy trình kỹ thuật, sau 3 - 4 năm mới cho thu hoạch mà trong thời gian chưa cho thu hoạch vẫn phải trả lãi cho ngân hàng, trong khi không biết giá cà phê có ổn định trong tương lai hay không.

Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng tái canh cà phê trên địa bàn Đăk Lăk, mới chỉ thu hút được 269 khách hàng tham gia vay gần 110 tỷ đồng để đầu tư tái canh, ghép cải tạo cho trên 730ha cà phê.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh Đăk Lăk đầu tư trồng tái canh trên 30.442ha cà phê đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh có năng suất, hiệu quả kinh tế kém.

 Mức đầu tư tái canh đã tăng lên từ 100-150 triệu đồng/ha; trong khi đó, quy định Ngân hàng NNPTNT chỉ tham gia tối đa 80%, phần còn lại là vốn tự có của các hộ, vì vậy dẫn đến việc các hộ thiếu vốn tái canh cà phê.