Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) nêu thực trạng: Trong thời gian gần đây, ngành du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, một số địa phương có biểu hiện chèo kéo, đeo bám, chặt chém khách du lịch trong và ngoài nước; chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, kém hấp dẫn, khó thu hút du khách trở lại.
Từ đó, đại biểu Phương đặt câu hỏi: “Bộ trưởng đánh giá thế nào về những bất cập nêu trên và cần những giải pháp gì để khắc phục?”. Bên cạnh đó, đại biểu Phương cũng đề nghị Bộ trưởng bày tỏ quan điểm về kiến nghị của cử tri liên quan đến việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận chất lượng dịch vụ du lịch chưa đạt, tình trạng chặt chém, ăn xin, giá cả không niêm yết công khai… là những hình ảnh khiến du khách phiền lòng. Bàn về giải pháp căn cơ sắp tới, Bộ trưởng nhấn mạnh:
“Phải xem chuỗi dịch vụ và sản phẩm của ta hoàn thiện đến đâu. Trong vấn đề này, cần phải coi tất cả công việc là nghề nhưng vấn đề đào tạo nghề chưa tốt. Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ LĐTBXH chuyển 5 trường trung cấp du lịch thành cao đẳng nghề.
Tiếp đó, Bộ trưởng đề cập khá dài dòng về khách sạn chất lượng cao, đường bay của các quốc gia khác trong khu vực khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc nhở: “Mô tả đường bay thì dài lắm, đề nghị Bộ trưởng nói gọn thôi”.
Trở lại với vấn đề quản lý nhà nước về du lịch, trong đó đi sâu vào nạn chặt chém du khách, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu các nguyên nhân: “Phối hợp liên ngành của ta chưa tốt; việc kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, có tình trạng chặt chém chưa kỹ; các mức độ xử phạt còn nhẹ”.
Chưa hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ hơn nữa các câu hỏi của đại biểu, đặc biệt là vấn đề vì sao du lịch phát triển chưa đúng với tiềm năng.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thì tiềm năng du lịch Việt Nam rất lớn, nhưng để trở thành hiện thực thì là cả một quá trình.
“Ngay cả việc chặt chém thì thái độ của người dân thế nào, tuyên truyền, quảng bá ra sao? Vừa qua, Thanh Hóa đã có chiến dịch “bàn tay sắt” xử lý hàng loạt cán bộ, có đường dây nóng của công an, cảnh sát, lực lượng bảo vệ, quản lý thị trường, còn người dân thì thành lập Hiệp hội chống chặt chém”. Và trong khi Việt Nam chưa có cảnh sát du lịch thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị lực lượng cảnh sát cùng tham gia gỡ rối.
Chưa nhận được câu trả lời cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi tiếp: “Theo Bộ trưởng, đến năm 2020 thì du lịch Việt Nam có ngang tầm khu vực được không?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu ra một vài số liệu: Malaysia, Thái Lan hiện có 24 triệu lượt khách/năm, Singapore có 14 triệu lượt khách/năm, Indonesia có 7,5 triệu lượt khách/năm, còn Việt Nam năm 2012 có 6,8 triệu lượt khách. Trong chiến lược phấn đấu, ngành du lịch Việt Nam đặt chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 10-15 triệu lượt khách/năm, doanh thu khoảng 18-20 tỉ USD.
Khi Chủ tịch Quốc hội hỏi thẳng: “Vậy là tới năm 2020 chưa đạt được mục tiêu ngang tầm khu vực, đúng không?” thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: “Nên liệu cơm gắp mắm, làm được thì làm chứ không nên đặt chỉ tiêu quá cao”.
Trong phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng nhiều lần phải nhắc nhở Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời gọn, đúng và trúng hơn thay vì cách nói có phần rườm rà và không đi thẳng vào câu hỏi mà các đại biểu nêu về các vấn đề như đạo đức xã hội, văn hóa đọc, đời sống khó khăn của văn, nghệ sĩ, mức phạt với các scandal của giới showbiz, bảo tồn các di tích lịch sử quốc gia...
Long Nguyên