Ngày 14.7, ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), Bộ NNPTNT, cho biết:
“Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 14.323 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông sản thì đã phát hiện 1.584 cơ sở vi phạm (chiếm 11,6%). Riêng số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y…) được thanh-kiểm tra là 3.751, trong đó số cơ sở vi phạm là 817, chiếm tới 21,78%”.
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang cho rằng, dù toàn ngành làm quyết liệt để xử lý các cơ sở vi phạm về sản xuất vật tư nông nghiệp, nhưng nhìn từ con số báo cáo của Bộ NNPTNT ở 2 lĩnh vực phân bón và thuốc thú y thì không ổn.
“Việc xử lý các cơ sở loại C đã có đầy đủ quy định, nếu làm quyết liệt, sau 3 lần kiểm tra không được thì cần rút giấy phép” - ông Đồng nói.
Theo phản ánh của một số địa phương, Thông tư 14 của Bộ NNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản chủ yếu áp dụng được với các cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn với các cơ sở không đăng ký thì chịu. Đó chính là lý do vì sao người dân phản ánh tình trạng vật tư nông nghiệp giả, lậu, kém chất lượng vẫn tràn lan ở địa phương.
Do đó, một số ý kiến đề xuất, muốn ngăn chặn được vật tư nông nghiệp kém chất lượng, Bộ NNPTNT cần mở rộng thanh-kiểm tra đối với các cơ sở không có giấy phép kinh doanh.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần đặt trọng tâm xử lý các cơ sở loại C theo quy định.
“Hành lang pháp lý đã có rồi, chúng ta phải làm quyết liệt. Chúng ta không thương một người để làm hại muôn người. Không cho phép ai vì lợi ích của mình để làm hại cho người khác nên chúng ta phải làm quyết liệt theo hướng: Xử phạt, rút giấy phép và công khai thông tin” - ông Phát nói rõ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ sẽ có báo cáo lên Thủ tướng, cũng như các Bộ Công an, Công Thương để kiểm soát đặc biệt tình hình buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật.