Nhân con số 1.000, thế nào cũng có người nhắc tới cái tên Đinh Ngọc Nghĩa. Không phải là một Đinh Ngọc Nghĩa cầu thủ đội bóng Công an TP.HCM thủa nào mà là một thiếu úy CSGT đã ít nhất 40 lần không nhận hối lộ. Năm 2008, khi được biểu dương, anh chàng thiếu úy ấy chỉ nói đơn giản thế này: “Đó là việc làm tất yếu của người Công an nhân dân mà bất cứ ai cũng nên làm và có thể làm được”.
Thật đẹp và tử tế. Còn ở chỗ, theo quy định của ngành, cứ sau mỗi lần từ chối không nhận hối lộ thì bản thân người chiến sĩ Công an được biểu dương, khen thưởng... Và cũng sau mỗi lần nhận được tiền thưởng, thiếu úy Nghĩa mang toàn bộ số tiền đến tặng quỹ xã hội từ thiện của Báo Công an TP.HCM hoặc trung tâm nuôi dưỡng người già để giúp đỡ thiết thực cuộc sống những đồng bào còn nghèo khó.
Sự tử tế là thứ mà có hoài nghi cách mấy thì người ta cũng nên tin. Bởi thứ mà thiếu úy Nghĩa từ chối có thể khiến gia cảnh của anh ít sung túc hơn, nhưng đổi lại, là sự thanh thản, thứ hạnh phúc tưởng như bình dị mà những người đã, đang và sẽ chót “nhúng chàm” không bao giờ có được.
Từ chối nhận hối lộ là điều mà bất cứ ai, không chỉ người chiến sĩ CAND nên làm. Anh Nghĩa đã nói đúng. Chỉ có điều làm được hay không lại là chuyện khác.
Cũng trong ngày con số đẹp 1.000 xuất hiện, xuất hiện bản tin việc Công an tỉnh Cao Bằng tước quân tịch của một thiếu úy khác khi anh này mang tang vật- là một chiếc xe máy, đi cầm đồ. Thiếu úy này đã mang chiếc xe Sirius biển kiểm soát 11 H1-002.34 tới tiệm cầm số tiền 9 triệu đồng. Thời gian cầm đồ là 15 ngày với lãi suất 3.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Do quá thời hạn mà khách hàng không đến chuộc lại xe nên chủ hiệu cầm đồ này đã bán tài sản thế chấp để thu hồi vốn.
Thật khó có thể nói khác, đây chính là hành vi tham nhũng.
Giá như tấm gương thiếu úy 40 lần không nhận hối lộ xuất hiện ngay trong báo cáo ngay bên cạnh thiếu úy mang tang vật đi cầm đồ.
Giá như bên cạnh con số 1.000 cán bộ chiến sĩ không nhận hối lộ thì một báo cáo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đề cập tới con số bao nhiêu đó nhận hối lộ.
Bởi thông tin về những “con sâu” nếu được chính ngành công an công khai, chẳng những không làm mất mát đi chút nào hình ảnh về ngành công an, mà ngược lại, còn khiến dư luận, nhân dân tin tưởng hơn ở việc quyết tâm làm trong sạch đội ngũ.
Bởi nếu chỉ có con số lạnh lùng, khô khan 1000, thì người dân sẽ quên rất nhanh. Họ chỉ nhớ tới hình ảnh của những CSGT Hàng Xanh (TP.HCM) thản nhiên vạch ví móc tiền người đi đường, không bao giờ có trong báo cáo, sẽ chỉ ấn tượng với những thiệp cưới có ghi lưu ý về đường đi: “Có công an bắt đi lấn tuyến”.