1/4 công ty làm ăn thua lỗ
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có tổng số 319 công ty NLN đã được sắp xếp lại với gần 2,8 triệu ha đất đang được các công ty quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, đến nay mới có 74 công ty chuyển sang cho thuê đất theo quy định, với tổng diện tích 460.000ha, còn lại vẫn đang sử dụng dưới hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Đáng chú ý là sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 26.6.2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển NLT quốc doanh, đến nay nhiều mục tiêu của nghị quyết vẫn chưa đạt được như chưa hoàn thành xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất. Diện tích đất chưa sử dụng hoặc hoang hóa còn nhiều.
Đơn cử như Tổng Công ty Giấy Việt Nam, có tổng diện tích đất được giao là hơn 64.450ha, trong đó khoảng 62.000ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đơn vị này vẫn gặp khó khăn trong việc rà soát ranh giới cắm mốc đất đai, nên thực chất không biết đất của mình đến đâu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã nêu lên thực trạng đáng lo ngại: “Qua kiểm tra, tôi thấy có điều kỳ lạ là nhiều nơi có tới hàng trăm ha đất rừng không đơn vị nào quản lý, gây lãng phí tài nguyên của đất nước, do đó phải rà soát lại toàn bộ diện tích này”.
Theo Phó Thủ tướng, diện tích đất các NLT nắm giữ rất lớn, nhưng hiệu quả kinh tế thì rất thấp, số doanh nghiệp thua lỗ chiếm tới 1/4, có năm doanh thu chỉ đạt khoảng 1 tỷ đồng, lương trả cho người lao động chỉ được 1 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, một phần cũng do quản lý còn lỏng lẻo.
Rà soát lại và tái cơ cấu
Ông Phạm Quốc Doanh – Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước cho biết, hơn 10 năm qua, việc đổi mới NLT quốc doanh vẫn chưa có mấy tiến triển. Nhìn bề ngoài thì đất đai vẫn do các doanh nghiệp quản lý, nhưng bên trong thì thực chất đã giao khoán hết cho các hộ dân, dân tự sản xuất kinh doanh, còn nông trường chỉ đứng ra thu khoán. Đặc biệt là với các công ty lâm nghiệp, nhiều đơn vị sống rất lay lắt, mặc dù họ quản lý diện tích rừng tự nhiên, nhưng không được tự chủ hoàn toàn để sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Từ nay đến cuối năm, các công ty sẽ phải nhanh chóng rà soát lại diện tích kinh doanh có hiệu quả, để từ đó có phương án tái cơ cấu, làm ăn hiệu quả hơn, còn những diện tích không hiệu quả, không quản lý được hoặc đất có tranh chấp thì phải giao lại cho chính quyền địa phương xử lý theo hướng ưu tiên giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc tại chỗ; giao và cho những hộ nhận khoán lâu dài, làm ăn có hiệu quả được thuê tiếp, đồng thời sẽ có dành một phần diện tích cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thuê, trong đó ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp”.
“Dự thảo nghị định của Chính phủ lần này đã xác định rất rõ việc chỉ đạo sắp xếp lại các công ty NLN, theo đó, có thể chúng ta chỉ giữ lại 1/3 số công ty NLN hiện nay dưới dạng công ty TNHH một thành viên nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, còn những công ty quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả trong 3 năm qua sẽ phải giải thể, thu hồi đất. Theo thống kê sơ bộ, số diện tích kém hiệu quả lên tới 30- 40%” – ông Tuấn nói.