Dân Việt

Bão số Rammasun tấn công dữ dội biển Đông

Lưu Minh Hải 16/07/2014 15:46 GMT+7
Gần trưa nay (16.7), cơn bão có tên Quốc tế là Rammasun sau khi tàn phá miền trung nước Philippines đã đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 2 tấn công biển Đông tính từ đầu năm 2014 đến nay. Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết.

Hồi 13h 16.7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 119,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khoảng 780km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (từ 134-149km/giờ), giật cấp 15-16.

img

Mây trong bão số 2 (Trung tâm Dự báo KTTVTƯ)

 Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến 13h ngày 17.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng lên cấp 13-14 (từ 134 đến 166km/giờ), giật cấp 16-17.

Trong khoảng 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến 13h ngày 18.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão vẫn duy trì mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.

Trong khoảng 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc và có khả năng đi chậm lại, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.

img

Dự báo đường đi của bão số 2 (Trung tâm Dự báo KTTVTƯ) 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía đông biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 9-10. Sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động cực kỳ dữ dội, sóng biển cao khoảng 11-14m, mặt biển trắng xóa bụi nước do gió bão gây ra. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày mai (17.7) có gió mạnh dần lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Sức phá hoại của sóng biển cực lớn.

Vì vậy, tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển mà bão số 2 tiến vào, các vùng biển liền kề cần khẩn cấp di chuyển về bến bãi. Theo dõi sát sao cường độ, hướng di chuyển của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng tránh hữu hiệu nhất.