Xin ông cho biết, sau khi Nghị định 67 ban hành, Bộ NNPTNT sẽ triển khai các biện pháp gì để nghị định sớm đi vào thực tế?
- Nội dung của Nghị định đã tương đối rõ, riêng Bộ NNPTNT phải thực hiện các nội dung cụ thể. Thứ nhất là nghiên cứu điều tra dự báo ngư trường. Đây là việc làm quan trọng, dựa vào đó để tổ chức lại khai thác trên biển.
Trong 3 năm qua, Bộ đã tập trung vốn để điều tra, dự báo và đến nay đã có số liệu trữ lượng về nguồn lợi, biến động của các nhóm thủy sản quan trọng là cá ngừ, cá nổi lớn, cá nổi nhỏ, cá đáy và một số đối tượng ven bờ khác.
Cuối năm nay sẽ hoàn thiện điều tra nghề cá thương phẩm ở các địa phương và có cơ sở dữ liệu cơ bản về thủy sản, làm cơ sở quan trọng cho quy hoạch tàu cá. Từ đó, chúng ta có thể tính toán sản lượng tối đa cho phép khai thác để đưa ra số lượng tàu phù hợp (hiện sản lượng khai thác tối đa so với nguồn lợi là 40%).
Thứ hai, Bộ cũng sẽ triển khai quy hoạch phát triển tàu theo nhóm nghề và ngư trường. Vấn đề này đã được Bộ chỉ đạo triển khai tích cực ngay từ khi xây dựng nghị định trên cơ sở định hướng quy hoạch giai đoạn 2016-2020 để đưa ra tỷ lệ phát triển đóng mới bao nhiêu tàu, phù hợp với từng nhóm nghề, từng địa phương, gắn với từng vùng biển ra sao.
Hiện nay chúng ta có khá nhiều chính sách ưu đãi cho ngư dân, nếu người dân ồ ạt đóng tàu thì làm sao có thể kiểm soát tốt, thưa ông?
- Khi xây dựng Nghị định 67, vấn đề này cũng đã được tính đến. Nếu chính sách tốt thì hàng loạt ngư dân sẽ tham gia đóng mới tàu, không cẩn thận sẽ xảy ra tình trạng tàu nằm bờ do không khai thác hết khả năng, gây thiệt hại cho ngư dân.
Do đó, cơ chế kiểm soát khi triển khai Nghị định 67 là căn cứ vào quy hoạch, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ NNPTNT dựa trên số liệu nguồn lợi thủy sản. Hiện ở các nước còn cấp quota cho ngư dân được đóng mới bao nhiêu tàu. Với cá ngừ, chúng ta cũng đã căn cứ vào nguồn lợi tối đa cho phép để đóng lượng tàu phù hợp.
Các chủ tàu muốn được hỗ trợ tín dụng đóng tàu xa bờ thì phải đăng ký với UBND xã, sau đó xã sẽ xem các chủ tàu này đi biển thật không, đi vùng nào, làm nghề nào rồi mới tổng hợp lên huyện, tỉnh để phê duyệt.
Việc đăng ký này vừa giúp nắm bắt nhu cầu vay vốn, vừa nắm bắt xem nghề gì đang phát triển, hoặc nghề gì nguồn lợi cạn kiệt thì không phát triển nữa. Mặt khác, trong quá trình giải ngân, phía ngân hàng cũng sẽ tham gia giám sát. Chúng ta khuyến khích đóng tàu, nhưng phải phát triển có định hướng, có lợi cho ngư dân.
Khi vay vốn đóng tàu, ngư dân sẽ được lựa chọn mẫu thiết kế như thế nào, thưa ông?
- Hiện Bộ đã đặt hàng các đơn vị thiết kế 24 mẫu tàu cho 6 nghề theo các quy mô khác nhau, đảm bảo thiết kế từng nghề. Bộ cũng giao các đơn vị phải hoàn thiện mẫu tàu trước ngày 25.8.
Ngư dân có quyền được lựa chọn mẫu tàu theo danh mục 24 mẫu do Bộ NNPTNT ban hành, mặc khác, ngư dân cũng có thể chọn các đơn vị khác thiết kế mẫu tàu riêng. Tuy nhiên, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị thiết kế ra các mẫu tàu tốt nhất để giúp ngư dân dễ lựa chọn và tiết kiệm chi phí (hiện chi phí thiết kế chiếm 5-6% giá trị tàu).
Trước đây, hầu hết ngư dân đóng tàu vỏ gỗ, giờ đóng tàu vỏ sắt hiện đại hơn, trong khi trình độ của bà con chưa theo kịp, vậy Bộ NNPTNT có phương án gì để giúp ngư dân tránh rủi ro?
- Nghề cá đúng là một nghề đặc thù và lâu nay ngư dân chủ yếu dùng tàu vỏ gỗ nhỏ để khai thác, đánh bắt cá, đặc biệt là đánh bắt ven bờ nên chỉ cần kinh nghiệm.
Tuy nhiên, khi đã có tàu vỏ thép, với trang thiết bị hiện đại thì ngư dân cũng như chủ tàu nhất định phải được đào tạo. Chính sách hỗ trợ lần này cũng đã xác định sẽ hỗ trợ 100% phí đào tạo vận hành tàu; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật khai thác; hỗ trợ kỹ năng bảo quản trang thiết bị, bảo quản sản phẩm trên tàu.
Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đội tàu cố gắng cử ra những tổ trưởng có năng lực tập hợp ngư dân để giảm thiểu rủi ro.
Xin cảm ơn ông!