Ngày 16.7, tại TP.HCM, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai chiến lược công tác dân tộc và 3 năm thi hành Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc.
Còn khoảng cách xa
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, sau 1 năm triển khai chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nhân lực khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đến ngày 15.7, Ủy ban Dân tộc vẫn chưa nhận được kế hoạch của 4 bộ, ngành có liên quan chặt chẽ với công tác và chính sách dân tộc là Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế.
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số tỉnh còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoặc đề xuất trong kế hoạch quá nhiều nhiệm vụ, dàn trải nhưng chưa bao quát được hết quan điểm, mục tiêu của chiến lược. Một số nhiệm vụ trùng lặp với nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hiện cũng còn nhiều địa phương chưa gửi kế hoạch. Đến ngày 15.7, Ủy ban Dân tộc mới nhận được kế hoạch của 21 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, các bộ, ngành vẫn chưa ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn triển khai thực hiện các nhóm chính sách cụ thể, nên nghị định chưa thực hiện được trên thực tế. Cơ chế phân cấp chưa triệt để, làm hạn chế tính chủ động của địa phương và sự tham gia của người dân. Một trong các đề xuất để khắc phục các vướng mắc này, Ủy ban Dân tộc cho rằng nên nâng tầm Nghị định 05 lên thành Luật, Pháp lệnh nhằm đảm bảo giá trị pháp lý, tính thống nhất, đồng bộ.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương nêu dẫn chứng cụ thể hơn cho thấy công tác dân tộc còn chưa sâu đi vào cuộc sống. Tình trạng con em dân tộc thiểu số đi học ra không có việc làm rất đáng quan tâm. Ông cho biết tỉnh Thanh Hóa có đến 1.000 em như thế.
Ông Dương Quốc Xuân - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Dân tộc - cho rằng, nguồn lực để thực hiện các chính sách đã đề ra với bà con dân tộc thiểu số là cực kỳ khó khăn, nên xoáy vào trọng tâm. “Theo tôi, lấy ví dụ như 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉ nên tranh thủ tiêu chí nào làm được cho đồng bào thiểu số thì làm ngay đi”- ông nói, và đánh giá: “Tôi có cảm giác sau 30 năm đổi mới, khoảng cách giữa đồng bào thiểu số và miền xuôi còn xa vời lắm. Cần tạo chính sách đột phá cho cán bộ làm công tác dân tộc phát huy vai trò, hỗ trợ tốt nhất để làm sao để họ tạo được uy tín với đồng bào, đến được các buôn làng và nói chuyện hàng ngày với người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Nghị lực quan trọng hơn nguồn lực
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử yêu cầu công tác dân tộc cần phải được triển khai thực hiện nghiêm túc theo các văn bản của Chính phủ. Đề nghị bộ ngành nào chưa có thông tư hướng dẫn hoặc triển khai chưa đúng tiến độ, nội trong năm nay phải thực hiện.
Ông cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc Quốc hội tăng cường giám sát công tác này của khối cơ quan Trung ương. “Bởi đây là các cấp có thẩm quyền để ban bố các chính sách, chủ trương của chiến lược công tác dân tộc. Nếu một bộ ngành nào không ban hành, sẽ ảnh hưởng đến các bộ ngành khác và tất cả địa phương”- ông nói.
Bên cạnh đó, các địa phương cứ theo các văn bản của Chính phủ mà thực hiện. “Không trông chờ vào thông tư nữa mà phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai. Có một lỗi hệ thống đó là lâu nay Quốc hội ban hành ra luật. Luật thì chờ nghị định, nghị định chờ thông tư và đến khi thực hiện đã làm biến dạng các chính sách, chủ trương. Đừng nên theo thói quen này nữa”- Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông nói thêm, cần cải tiến, phá lệ, nếu theo lối cũ rất kém hiệu quả, nhiều khi phải phải mất mấy tháng trời chỉ để chờ có mấy chữ như “đồng ý, thống nhất với chủ trương” của các cấp thẩm quyền.
Trao đổi với báo chí, ông Giàng Seo Phử đề nghị cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào để làm rõ nguyên nhân tại sao mình nghèo? Tại sao chưa vượt ra khỏi hoàn cảnh để mà hội nhập? Ông nói: “Chính sách dân tộc chủ yếu mang ý nghĩa Nhà nước tạo môi trường, cơ chế và đầu tư từ ngân sách cho đồng bào thiểu số vươn lên. Nhưng điều quan trọng hơn không phải chỉ là nguồn lực mà là nghị lực từ chính bản thân đồng bào chúng ta. Đặc biệt là nghị lực phấn đấu phi thường vượt qua khó khăn, thách thức để bản thân mình thoát nghèo, làm giàu một cách chính đáng bền vững. Đó mới là cơ sở quan trọng nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng hội nhập trong điều kiện mới”- ông nói.