Người mù chữ bán thuốc
Thuốc không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan tại phiên chợ vùng cao xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc). |
Ngày 17.4, Bệnh viện Đa khoa Yên Minh (Hà Giang) tiếp nhận 4 bệnh nhân cấp cứu vì uống nhầm thuốc dẫn tới thủng ruột. Trước đó, bệnh viện này cũng đã cấp cứu cho 9 bệnh nhân có triệu chứng tương tự.
Bác sĩ Phạm Anh Văn - Giám đốc Bệnh viện cho hay, thời gian gần đây, số bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tăng mạnh do uống thuốc bừa bãi. Trên địa bàn hiện cũng xuất hiện một số loại thuốc lạ nhập từ Trung Quốc. Ghi nhận của PV tại một số địa phương giáp biên giới vùng cao Hà Giang như huyện Mèo Vạc, Yên Minh cho thấy, tại các phiên chợ bày bán khá nhiều sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại phiên chợ Lũng Làn (xã Sơn Vĩ, Mèo Vạc), nhiều hàng xén bày bán thuốc đóng gói, đóng chai không in rõ nhãn mác, hạn sử dụng… chủ yếu là các loại thuốc chữa bệnh thông thường như thuốc ho, cảm cúm, đau đầu, rượu thuốc. Trong đó có nhiều loại thuốc được in chữ Trung Quốc. Một số loại thuốc còn được cho là chữa bách bệnh.
Bà Giàng Eo Củng - một người bán thuốc chỉ vào mấy gói lá khô được cho là thuốc chữa bách bệnh, mời chào: “Mày mua thuốc này về mà dùng, thuốc tốt lắm! Chữa được bách bệnh đấy”. Một chai thuốc nước khoảng 500ml được bà quảng cáo là để trị ho cho trẻ có giá 5.000 đồng, một gói thuốc chữa bách bệnh có giá 10.000 đồng.
Bà Củng là một trong hàng chục người bán thuốc ở chợ này, điều đáng nói là bà không biết chữ và không hề có chút kiến thức gì về ngành y. Vậy mà bà vẫn tự khám và kê đơn thuốc cho người dân.
Ông Giàng Mí Cợ - dân tộc Mông (xóm Cò Súng, Sơn Vĩ) cho biết: “Nhà tôi cách trạm y tế tới hơn 20km đường rừng, đi lại mất rất nhiều thời gian. Vì thế có ốm đau thì tự chữa thôi, lên rừng tự kiếm thuốc hoặc mua thuốc của Trung Quốc bán ở chợ rẻ lắm. Không biết có chữa khỏi không nhưng thuốc giá rẻ, lại tiện dùng nên nhiều người dân ở xóm tôi vẫn sang Trung Quốc mua thuốc về dùng”.
Vẫn chưa thể kiểm soát
Bác sĩ Phạm Anh Văn
Bà Lù Thị Dâu - Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Vĩ, Mèo Vạc thừa nhận: “Đúng là tại các chợ phiên trên địa bàn xã có bày bán loại thuốc không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, bà con chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ nên việc kiểm tra thu hồi là rất khó khăn”.
Số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Giang trong năm 2010 cho thấy: Tỉnh đã kiểm tra 3 đợt, tịch thu tiêu huỷ gần 200kg thuốc không rõ nguồn gốc, không có bao bì.
Tính riêng 3 tháng đầu năm 2011, Sở đã tiến hành thanh, kiểm tra ở 6 chợ giáp ranh biên giới, thu giữ và tiêu huỷ hơn 40kg thuốc không rõ xuất xứ. Tuy nhiên, ông Trần Đức Quý - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang vẫn thừa nhận: “Mặc dù Sở đã phối hợp với các ban, ngành thanh, kiểm tra, nhưng vẫn không thể kiểm soát hết”.
Lý giải cho điều này, ông Quý cho rằng: “Hà Giang có đường biên giới dài, địa bàn phức tạp nên không thể biết được người dân buôn bán, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc như thế nào. Hiện nay, Sở Y tế chủ yếu phối hợp với các ban, ngành, phòng y tế tuyến huyện tuyên truyền cho người dân ý thức được việc chữa bệnh theo đơn của bác sĩ. Tránh việc dùng thuốc không rõ xuất xứ, tuy vậy điều này vẫn còn hạn chế vì trình độ nhận thức của người dân còn thấp”.
Minh Nguyệt – Văn Giang