Ngân hàng… thiếu vốn
Ông Trần Văn Trổ - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Hậu Giang nhìn nhận: “Nông dân được vay vốn ưu đãi, ngoài có phương án sản xuất cụ thể, khả thi thì vẫn phải cần thế chấp sổ đỏ. Làm vậy là để tránh tình trạng nông dân vay với lãi suất ưu đãi ở nhiều ngân hàng khác nhau”.
Nông dân tỉnh Hậu Giang được vay vốn đầu tư trồng mía. |
Còn vấn đề vì sao hạn mức giải ngân cho các hộ nông dân vẫn quá thấp, ông Lý Nam Hải - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT tỉnh Cà Mau, tâm sự: Do nguồn vốn được hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước quá thấp, chỉ khoảng 150 tỷ đồng, trong khi nhu cầu giải ngân trên địa bàn tỉnh ước tính tới trên 3.000 tỷ.
Trong thời gian ngắn, với sự cạnh tranh quyết liệt ở khâu huy động vốn, Ngân hàng NNPTNT Cà Mau cũng chỉ huy động hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy vậy, trong số đó, ngân hàng này cũng đã dành gần 2.500 tỷ đồng đầu tư theo NĐ 41. “Ngân hàng gần như tự lực cánh sinh, huy động được bao nhiêu, đã cho vay bấy nhiêu” - ông Hải lý giải thêm.
Cũng theo ông Hải: Sức cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại quá mạnh, nên việc huy động vốn vẫn là một thách thức. Trong khi theo NĐ 41, nguồn vốn để giải ngân vẫn chủ yếu là tự huy động. Đó cũng là khó khăn chung cho các ngân hàng NNPTNT các tỉnh, thành khác ở ĐBSCL, khi phải tự xoay xở vốn để giải ngân. Vốn thì ít, nhu cầu nông dân quá lớn, nên thiếu là phải.
Ngoài ra, phía ngân hàng còn cho rằng, nguồn cán bộ tín dụng rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng khoảng 60% số nông hộ có nhu cầu thẩm định, thông tin… Trong khi sự phối hợp chưa cao với các ban, ngành nên dẫn đến việc nông dân tiếp cận được nguồn vốn còn hạn chế.
Và do vẫn “ngán” nông dân
Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, dịch bệnh, thiên tai, mất mùa triền miên… nên chất lượng tín dụng của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Đại diện nhiều ngân hàng NNPTNT ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đánh giá: Cho vay cây lúa khá ổn định, trong khi con tôm thường rủi ro bất thường. Do đó, nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng (đang thực hiện cho vay theo NĐ 41) thường ở mức từ 4-6%.
Ông Từ Thế Ngọc - Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng NNPTNT huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết: Trong 3.582 hộ vay theo NĐ 41, với 130 tỷ đồng, trong đó có hơn 70% số hộ nuôi tôm và mức nợ xấu trên 5%.
Một cán bộ ngân hàng cho biết, theo NĐ 41, nhiều cán bộ ngân hàng vẫn còn lúng túng khi xác định thế nào là trang trại hay mô hình đa canh tổng hợp. Vì thế, các cán bộ tín dụng khó thẩm định, để cho vay mức cao.
Vẫn biết rằng, nhu cầu vay vốn của nông dân là lớn so với nguồn vốn được vay. Tuy nhiên, để vay được vốn theo NĐ 41, nông hộ sản xuất lớn hay chủ trang trại chỉ được vay với một tổ chức tín dụng, chưa vay một dự án nào khác, và cần chứng minh năng lực tài chính, khả năng trả nợ. Và với trình độ của nông dân, thậm chí chủ trang trại, vẫn không đủ khả năng soạn ra một dự án khả thi, thuyết phục đối với ngân hàng.
Vũ Khánh - Hoàng Mai