Dân Việt

Từ chiến trường đến bàn đàm phán: Kỳ 2: Cái lý của nước lớn

Tiến sĩ Nguyễn Ngạc 19/07/2014 14:05 GMT+7
Hội nghị Geneva 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin tháng 2.1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương. 

Hội nghị khai mạc ngày 8.5.1954, thành phần tham dự có 9 bên (không phải là 9 quốc gia): Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia.

Ý đồ không giống nhau

Các nước đến dự Hội nghị Geneva về Đông Dương có những lợi ích, chiến lược và với những mục tiêu khác nhau. Liên Xô sau khi Stalin mất, Khơ-rut-sốp lên cầm quyền, chủ trương hòa hoãn với Mỹ và Tây Âu, làm dịu tình hình quốc tế. Liên Xô tập trung giải quyết vấn đề Berlin và nước Đức, đối phó với mối đe dọa của Mỹ và NATO, quan tâm đến châu Á có mức độ.

Do đó, tại Hội nghị Geneva, Liên Xô chỉ xử lý những vấn đề chung, tích cực đấu tranh bảo vệ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thúc đẩy để đạt được những thỏa thuận mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, tại hội nghị, Liên Xô tranh thủ Pháp trong các vấn đề châu Âu và vận động Pháp không tham gia Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (CDE) do Mỹ chủ xướng.

Trung Quốc đến hội nghị với mục tiêu hàng đầu là sớm đạt được một giải pháp hòa bình ở Đông Dương nhằm tránh mọi sự can thiệp của Mỹ, tránh quốc tế hóa cuộc chiến tranh Đông Dương và đẩy chiến tranh xa biên giới bảo đảm an ninh phía nam Trung Quốc.

Tại Geneva, Trung Quốc còn có mục tiêu khác quan trọng hơn đó là bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu, trước hết là về kinh tế - thương mại và ngoại giao để phá bao vây, cấm vận của Mỹ, vào Liên Hợp Quốc, thúc đẩy giải quyết vấn đề Đài Loan.

Pháp được Anh ủng hộ, muốn đạt được một giải pháp đình chiến ít có hại nhất, làm sao không lập Chính phủ liên hợp, chia cắt Việt Nam, giữ Lào và Campuchia càng nguyên vẹn càng tốt, trong khi hạn chế đến mức tối đa thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Pháp còn có hai mục tiêu quan trọng là bảo toàn quân đội viễn chinh để tiếp tục giữ các thuộc địa còn lại, trấn an dư luận trong nước.

Anh muốn giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, làm dịu tình hình căng thẳng ở Viễn Đông vì như vậy có lợi cho việc củng cố "Khối thịnh vượng chung" ở châu Á, nhất là trong lúc Anh phải đối phó với phong trào du kích ở Malaysia. Còn Mỹ luôn tìm cách phá hội nghị, chống bất cứ giải pháp nào nếu không cải thiện rõ rệt tương quan lực lượng quân sự có lợi cho Pháp nhằm tạo cho Pháp và phương Tây thế mạnh trên bàn đàm phán.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị Geneva với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. Hiệp định Geneva được ký kết trên cơ sở lập trường cơ bản đó của Việt Nam.

Thi hành các điều khoản quân sự, chính trị của Hiệp định Geneva là nhằm củng cố hòa bình, miền Bắc vừa giành được độc lập cần phải có hòa bình để xây dựng đất nước. Hòa bình phải được bảo vệ trên toàn cõi Đông Dương.

75 ngày cam go

Hội nghị Geneva trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn.

Ngoại trưởng Pháp Bidault phát biểu chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập vấn đề chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam, được Mỹ ủng hộ. Ngày 10.5.1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu, đưa ra lập trường 8 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị, giải quyết đồng thời cả 3 vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ông Phạm Văn Đồng nhấn mạnh, Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Campuchia, Lào. Quân đội nước ngoài phải rút khỏi 3 nước Đông Dương là cơ sở quan trọng nhất cho chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam.

Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai đưa ra hai điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: Pháp chấm dứt chiến tranh thực dân, Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp vào Đông Dương. Trưởng đoàn Liên Xô - Bộ trưởng Ngoại giao Mô-lô-tốp tại phiên họp lần thứ 4 đề nghị lấy hai phương án của Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cơ sở thảo luận.

Sau 4 phiên họp rộng, Chủ tịch hội nghị, Ngoại trưởng Anh Eden yêu cầu họp hẹp. Mô-lô-tốp đề nghị vấn đề quân sự, chính trị và vấn đề 3 nước sẽ bàn song song. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô, Trung Quốc đồng ý. Anh và Pháp tán thành, Mỹ đành phải chấp nhận.

   Do phải tranh thủ Pháp tham gia Cộng đồng Phòng thủ châu Âu, Mỹ không thể ngăn cản Pháp đi vào giải pháp ở Đông Dương, không thể can thiệp trực tiếp vào Đông Dương vì Quốc hội Mỹ phản đối. Mỹ tìm mọi cách ngăn cản Pháp không được thỏa hiệp quá mức hoặc ký hiệp định bất lợi cho ý đồ của Mỹ thay chân Pháp ở Đông Dương.