Lọt vào mắt lâm tặc
Ngược con dốc hướng trở lại Na Hang- tỉnh Tuyên Quang, tôi được Trường dẫn vào nhà một tên “trộm rừng” ở đầu bản. Đúng là gỗ “kiếm” được, nên nhà hắn làm toàn bằng gỗ nghiến. Hắn khoe, để dựng được một ngôi nhà như thế này phải dùng tới hai chục khối gỗ, tức là khoảng hơn chục cây nghiến lớn. Vì rừng sẵn gỗ nên cây nào không đạt tiêu chuẩn là bỏ.
Những cánh rừng già ở Ba Bể bị chặt phá |
Để có được khối gỗ khổng lồ, nặng như đá thế này, hắn và “đàn em” đã mất hàng tháng để cưa và vận chuyển về nhà. Bây giờ mất nhiều thời gian như vậy vì phải vào rừng sâu mới có cây lớn, ở ngoài khai thác hết rồi.
Vừa nói, hắn vừa cầm chiếc cưa máy rọc những khúc gỗ nghiến còn tươi roi rói làm xà nhà. Rồi quay sang hỏi tôi làm gì, định mua nhà khoảng bao nhiêu tiền… Tôi nói tiền không quan trọng, vấn đề là phải mua được nhà lớn, gỗ tốt. Hắn gật gù: “Chị cứ yên tâm. Ở đây ăn cơm, nghỉ ngơi đã, chiều mới vào rừng được”.
Sau bữa cơm, tôi theo chân Trường, tên chủ nhà gỗ và một số thanh niên khác mang theo cưa máy, xăng… vào rừng.
Trong số dụng cụ mà bọn lâm tặc mang theo có hai chiếc cưa máy mác Đức dài 1m. Trường bảo tôi, lưỡi cưa phải dài như thế mới hạ được gỗ cụ (cây to). Mà gỗ cụ thì chất gỗ mới tốt, mới có giá. Trên đường đi, tôi lại bắt gặp những thân cây nghiến đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang chờ “xẻ thịt” và đã bị “xẻ thịt”.
Cứ thế, cả bọn ngang nhiên đi vào sâu trong rừng. Đi được một lúc lâu thì một lâm tặc hú lên một vài tiếng. Đáp lại, vài phút sau trong rừng bỗng “mọc” thêm một lâm tặc. Tên này xuất hiện để dẫn chúng tôi đến một gốc cây nghiến già. Thì ra hắn được cử đi trước để “điều nghiên”, lựa chọn cây to, cây thẳng để cả bọn chỉ việc đến “xẻ thịt”. Một tên lâm tặc cầm chiếc cưa lớn dí vào gốc cây. Tiếng kêu xé khoảng trời vang lên, đánh thức cả khu rừng. Chỉ trong nháy mắt, cây nghiến đã bị hạ gục, đè ngã biết bao cây con dưới thân nó.
Trong bán kính khoảng 200- 300m, rừng như một xưởng cưa di động, nơi xếp đầy những thân nghiến bị xẻ vuông, nơi thì xếp những thân nghiến đã bị phơi khô cắt thớt, xẻ thành những cây cột làm nhà, chỗ thì xếp đến vài chục khối gỗ thừa trong khi bóc tách…
Vắng bóng kiểm lâm
Trong suốt hơn một tuần lễ lẽo đẽo theo chân lâm tặc vào rừng chọn gỗ, duy nhất một lần tôi nhìn thấy sự hiện diện của cán bộ kiểm lâm chừng 15 phút. Sau khi trao đổi gì đó với đám thanh niên, người cán bộ kiểm lâm mất hút vào rừng.
Lạ là, suốt một dải dài dọc tuyến Quốc lộ 279 cách rừng khoảng 500m, có những chỗ giáp rừng, tiếng cưa vang to như tiếng còi tàu suốt ngày, ánh đèn pin, tiếng trâu kéo gỗ ầm ầm suốt đêm, gỗ chất chồng đống vài ngày trên đường… mà không hề bị kiểm lâm phát hiện hay lập biên bản gì. Không chỉ có lâm tặc, một số người dân cứ đến buổi chiều là rồng rắn một đoàn xe gắn máy chừng 5-6 cái mang theo cưa máy từ bên ngoài vào rừng cưa gỗ.
Khi lượng gỗ đã đủ, từ phía xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có xe ô tô cỡ lớn vào chở. Quốc lộ 279 lại thành công trường bốc xếp gỗ. Chính vì sự buông lỏng quản lý của các cơ quan liên quan nên nhiều người dân trong bản cũng mang rìu, rựa, lửa… vào rừng khai thác nghiến. Trong chuyến rừng này, tôi đã bắt gặp một phụ nữ. Chị ta hồn nhiên cho biết, mấy cây to bên cạnh cũng do chị ta chặt.
Khi đã khá đầy đủ thông tin về việc tàn sát rừng già, vả lại cái nhà gỗ to mà tôi “đặt hàng” mua cho đại gia Hà Thành đã chuẩn bị “khởi công”, thì tôi tìm cách “chuồn”. Để khỏi bị lâm tặc nghi ngờ, tôi gọi điện về xuôi rồi bảo Trường chở tôi ra thị trấn để rút tiền đặt cọc.
Tôi đưa cho Trường một chiếc túi trong đựng mấy thứ đồ lặt vặt của phụ nữ (để làm tin) và bảo Trường đứng ngoài vừa trông xe, vừa đợi để tôi vào ngân hàng. Trong lúc Trường mải nghe điện thoại, tôi vòng ra lối sau, gọi xe ôm tới thẳng trạm kiểm lâm ở gần đó, nhưng rất tiếc không gặp được ai.
Tôi tìm đường tới Kiểm lâm huyện Ba Bể. Qua trao đổi, ông Nông Đình Khuê - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể cho biết, toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Ba Bể rộng 100.048ha, trong đó rừng tại khu vực xã Cao Thượng chủ yếu là rừng nguyên sinh, nghiến chiếm tỷ lệ lớn trong rừng. Do lực lượng mỏng nên tại khu vực xã Cao Thượng chỉ bố trí 3 cán bộ kiểm lâm. Vì thế với diện tích rộng, địa hình đồi núi nên việc quản lý rừng còn khó khăn.
Cũng theo ông Khuê, theo báo cáo của kiểm lâm khu vực xã Cao Thượng tình trạng tàn phá rừng là không có, mà chỉ có một số người dân chặt trộm(!). Tuy nhiên khi tôi cung cấp thông tin thu thập được trong những ngày dài ở khu vực này, cùng với thông tin từ giáo viên, người dân, công nhân thi công Quốc lộ 279… thì ông Khuê ấp úng và cho biết sẽ xuống tận nơi để xem xét tình hình(!?).
Đỗ Thị Viết