Theo dõi hoạt động ở một tủ sách của Hội Phụ nữ một xã thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có thể khẳng định rằng: Nông dân chúng ta có đọc sách. Nhưng họ thiếu sách, nhất là thiếu những loại sách mà họ cần để đọc.
Với một tủ sách nhỏ chỉ gồm mấy trăm quyển sách của Hội Phụ nữ nhằm phục vụ trước hết cho những hội viên phụ nữ xã, nhưng số người đọc năm này qua năm khác không hề giảm. Những loại sách được chị em mượn và đọc nhiều nhất là sách hướng dẫn nuôi dạy con, sách về kỹ thuật nông-ngư nghiệp, và sách thiếu nhi.
Những phụ nữ trong xã thường xuyên đến tủ sách của Hội mượn sách, và không chỉ họ đọc, mà con cháu của họ cũng đọc. Sau mỗi ngày làm công việc đồng áng hay đan lưới vất vả, buổi tối là lúc nhiều chị em phụ nữ hay chong đèn tranh thủ đọc sách.
Với những quyển sách hướng dẫn những điều có lợi cho họ, việc đọc sách đã trở nên hữu ích và trở thành một hoạt động không thể thiếu của nhiều phụ nữ ở một vùng quê nghèo. Tủ sách ấy hình thành do sự tài trợ của một tờ báo ở TP.Hồ Chí Minh, và có lẽ những nhà tài trợ cũng không ngờ sách của họ lại được đón nhận nhiệt tình như vậy.
Từ một “điểm sáng đọc sách” tại một xã, với thành phần đọc sách chính là phụ nữ, có thể nói sách vẫn rất cần cho nông thôn, vẫn có thể là bạn đồng hành đáng tin cậy của người nông dân. Vấn đề là làm sao đưa được sách về nông thôn, tạo lập được những tủ sách với những quyển sách cần thiết cho nhà nông.
Bây giờ sách về nông nghiệp, sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi con gì, trồng cây gì không hiếm. Và những cuốn sách hướng dẫn cho những người lần đầu làm mẹ, hay dạy cách cho trẻ con ăn những thức ăn bình thường gì giúp cho chúng phát triển bình thường, cũng không hiếm.
Đó là những loại sách được nông dân và phụ nữ nông thôn đón đọc nhiều nhất. Nhưng, để bỏ tiền mua được chúng, thì nhiều khi họ không thể. Vì vậy, trong ngày “Sách thế giới” cũng như những hoạt động “Đọc sách cho ngày mai” diễn ra hàng năm tại Việt Nam, nên có những hoạt động nhằm đưa sách về nông thôn, xây dựng những tủ sách nhỏ ở nông thôn cho nông dân, cho phụ nữ và trẻ em đọc. Và nếu có những “tủ sách lưu động” đưa sách về nông thôn một cách năng động, thì càng tốt.
Ý nghĩa của việc đọc sách thì ai cũng đã biết. Vấn đề là làm thế nào xây dựng được thói quen đọc sách. Mà thói quen ấy không chỉ dành riêng cho người thành phố hay cho những tầng lớp “đặc tuyển”, mà cho đông đảo nông dân ở các vùng quê, những người ít có điều kiện để tiếp xúc thường xuyên với sách. Làm được điều đó thì “Ngày hội đọc sách” mới thực sự có ý nghĩa với toàn dân.n
Thanh Thảo