Dân Việt

“Mượn bụng” để sinh con không dễ

Diệu Linh 22/07/2014 06:48 GMT+7
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ nhằm thay thế Nghị định số 12/2003. Đáng chú ý tại dự thảo này (NTNN số 173/2014) là Bộ Y tế đã đề xuất một số quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo...

Điều kiện khắt khe

Theo Điều 94 Luật Hôn nhân- Gia đình sửa đổi, điều kiện để nhờ mang thai hộ là hai vợ chồng không có con chung và phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Còn người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ 1 lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Mang thai hộ cũng chỉ là phương pháp “mượn bụng”, thực tế là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi sẽ chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ khác. Khi đó, tử cung của người mang thai hộ sẽ nuôi dưỡng thai nhi. Đứa bé được sinh ra sẽ mang gene di truyền của người phụ nữ có trứng chứ không phải của người mang thai hộ.

“Khi nghe tin Nhà nước sẽ cho phép mang thai hộ, vợ chồng chúng tôi rất vui mừng vì sẽ có cơ hội có được đứa con hợp pháp. Nhưng với các điều kiện đó thì thật đánh đố...” – chị Nguyễn Ngọc Bích (37 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) buồn bã.

Chị Bích cho biết, hai vợ chồng chị đã lấy nhau được 12 năm nhưng chưa có con. Chị từng chửa ngoài dạ con, bị biến chứng phải cắt bỏ cả dạ con. Chị chỉ có em trai, chồng chị cũng không có chị em gái nên không thể nhờ ai mang thai hộ. Các chị em họ đều rất xa xôi, chẳng ai đồng ý giúp một việc khó khăn và nhiều rủi ro về sức khỏe đến vậy.

Chị Bích đã thuê được người ngoài mang thai hộ nhưng lại lo ngại sau này có sự tranh chấp đứa con hoặc đòi thêm tiền, không bí mật về nhân thân... Nếu như pháp luật cho phép, làm giấy tờ chặt chẽ, giao dịch sòng phẳng thì sẽ đỡ lo. Đằng này, Nhà nước lại chỉ cho phép người thân thì với vợ chồng chị khát khao có con nhưng vẫn chẳng được pháp luật bảo vệ.

Theo TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), quy định mang thai hộ có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Do đó, việc quy định người mang thai hộ phải là chị em là để tránh việc thương mại hóa, trục lợi trong việc này.

Quy về một mối

Trong đề xuất mới nhất, Bộ Y tế đưa ra 2 phương án trong việc cho phép các bệnh viện (BV) thực hiện mang thai hộ. Phương án 1, cho phép 3 BV được thực hiện mang thai hộ là BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), BV Phụ sản T.Ư (Hà Nội) và BV Đa khoa T.Ư Huế. Phương án 2, các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ là cơ sở đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo đại diện Bộ Y tế, nhiều khả năng Bộ Y tế chọn phương án 1, vì hiện nay nhu cầu mang thai hộ không nhiều, việc tập trung kỹ thuật này vào một số BV đầu ngành sẽ tránh tình trạng mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Các BV được giao trọng trách này cũng phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ để thực hiện đề nghị mang thai hộ. Nếu có nghi ngờ thì yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan hoặc phỏng vấn trực tiếp...

Theo TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi năm, ở Việt Nam ước tính khoảng 500-700 ca mang thai hộ, với chi phí khoảng 40-60 triệu đồng/ca. Do đó, việc Bộ Y tế tập trung vào một số trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn có độ tin cậy về mặt pháp lý và chuyên môn cao để triển khai thực hiện phương pháp này là hợp lý.

Để kiểm soát vấn đề thương mại hóa, Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Ví dụ như những người mang thai hộ sẽ được lưu thông tin trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác để “thông suốt”. Người mang thai hộ cũng chỉ được “hộ” một lần, không có cơ hội “hộ” nhiều lần vì mục đích thương mại.

   Theo quy định, mang thai hộ chỉ cho phép “mượn” bụng còn trứng và tinh trùng phải là của cặp vợ chồng nhờ mang thai. Như vậy, người vợ bị hỏng trứng, người chồng có “tinh binh” lép cũng chẳng có cơ hội hưởng sự nhân văn của luật. Còn người mang thai có nguy cơ chịu nhiều rủi ro tai biến sản khoa, mất sức khỏe, sinh con dị tật bị trả lại mà chỉ được tiếng là “tốt bụng”. Điều đó sẽ đẩy nhiều người đến chỗ lén lút tìm người “đẻ thuê” và nảy sinh nhiều tranh chấp về tiền bạc, con cái... mà xã hội lại phải gánh chịu hậu quả” - bà Nguyễn Thị Lan (Trường ĐH  Luật Hà Nội) phân tích.