Dân Việt

Vạch trần mánh làm ăn phi pháp của dịch vụ thám tử: Những ẩn họa khôn lường

Thọ Phước 22/07/2014 06:46 GMT+7
Việc các văn phòng thám tử tồn tại và hoạt động là điều pháp luật không cho phép. Không những vậy, việc các công ty này nhận lời theo dõi tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, lấy trộm mật khẩu email đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật nước ta. Hành vi này có thể khiến cả “người bán” - tức các văn phòng thám tử và “người mua” - tức người có yêu cầu và tiếp tay cho việc theo dõi, lâm vào vòng lao lý.

Phần mềm theo dõi: Cài đặt trong 5 phút

Trở lại với vị thám tử tên Lượng của Văn phòng Thám tử Tâm Gia, sau khi giới thiệu xong về các gói hợp đồng khủng và phương thức tác nghiệp nêu trên, phóng viên đã thắc mắc về giá cả và hỏi xem còn các phương án nào khác để lấy được nội dung tin nhắn và ghi âm cuộc gọi hay không. Lúc này, Lượng suy nghĩ một hồi rồi diễn giải:

Nếu muốn chi phí giảm thì chỉ có cách là tiếp cận được chiếc điện thoại mà ông anh làm “công cụ” ngoại tình. Chiếc điện thoại đó phải là dòng smartphone. Khi đó, người tiếp cận được chiếc điện thoại trên cần dùng chiếc máy này liên lạc về chỗ văn phòng thám tử của Lượng. Đội ngũ kỹ thuật sẽ nhanh chóng gửi một đường link có chứa phần mềm theo dõi tin nhắn và nghe lén cuộc gọi vào chiếc điện thoại trên. Bước tiếp theo là đến phần cài đặt.

img Giấy chứng nhận về mức độ uy tín của Thám tử Tâm Gia do Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội cấp.

 

“Công việc cài đặt sẽ diễn ra trong vòng 5 phút. Khi đó, nhân viên kỹ thuật của tôi sẽ đi cùng bạn. Khi cài đặt xong, phần mềm theo dõi này sẽ ẩn trong máy điện thoại. Chủ nhân của nó sẽ không thể nào tìm ra được. Bạn sẽ được tạo một tài khoản lưu trữ các dữ liệu trên tại công ty, khi phát sinh tin nhắn và cuộc gọi tới máy đó, nó sẽ tự động ghi âm chuyển về tài khoản lưu trữ dữ liệu này. Chi phí để theo dõi trong 1 tháng sẽ hết chừng 25 triệu”- Lượng diễn giải thêm.

“Làm các thao tác này thì mọi thứ sẽ an toàn hơn nhiều, cho cả bạn và cho cả chúng tôi. Lỡ người bị theo dõi có phát hiện ra phần mềm thì cũng khó có căn cứ để cáo buộc chúng tôi” - vẫn lời Lượng.

Sau khi nghe Lượng giới thiệu xong hai gói dịch vụ trên, tôi tiếp tục đề cập tới việc theo dõi email. Lúc này, Lượng đã thoải mái hơn nên tỏ ra hào phóng: Phần theo dõi email thì đơn giản, tôi cũng chỉ lấy anh vài ba triệu gọi là. Chỉ cần anh cung cấp cho tôi địa chỉ của mail. Sau đó, nhân viên kỹ thuật bên tôi sẽ dò các dữ liệu rồi bẻ khóa. Công việc sẽ mất chừng 2-3 ngày.

Sau khi lấy được mật khẩu của địa chỉ mail trên, tôi sẽ cung cấp cho anh để anh chủ động theo dõi. Trong công đoạn “tác nghiệp” này, Lượng lưu ý tôi một điều là phải xem kỹ xem email của người bị theo dõi có được sử dụng và bảo mật trên điện thoại di động không. Nếu có, thì phải cẩn trọng hơn bởi chỉ cần thâm nhập bằng một máy chủ khác là email trên sẽ có thông báo tới điện thoại về xâm nhập đáng ngờ này.

Khi câu chuyện đã trở nên cởi mở hơn, lúc này, Lượng không quên giới thiệu thêm các gói dịch vụ khác. “Nếu cần, tôi sẽ cho nhân viên bên tôi theo sát anh chồng của chị cậu, kể cả khi anh này sang Trung Quốc. Chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ hình ảnh để chị cậu làm “bằng chứng”. Tuy nhiên, tôi lưu ý là bằng chứng này sẽ không được sử dụng trước tòa đâu nhé!”-Lượng nhấn mạnh.

Trái pháp luật



Luật sư Chu Mạnh Cường
 
 
Ngoài các thám tử và công ty của họ đứng trước nguy cơ bị dính vào vòng lao lý thì bản thân người thuê các công ty và các thám tử này cũng khó tránh khỏi trách nhiệm liên đới. Và đương nhiên, nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người bị nghe lén hoặc xâm hại thư tín, điện thoại kiên quyết đề xuất khởi tố thì người đi thuê cũng không tránh khỏi việc bị khởi tố với vai trò đồng phạm”.

 
Nói về sự trái phép của loại hình dịch vụ này, luật sư Chu Mạnh Cường- Trưởng Văn phòng Luật sư Dân Tín khẳng định: Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì “đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra” là lĩnh vực cấm đầu tư do gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng. Do đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng không được phép thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra tại Việt Nam”. Điều này giải thích tại sao các công ty thám tử tại Việt Nam đã núp danh dưới bóng của các công ty bảo vệ và công ty cung cấp dịch vụ thông tin. Đồng thời, khi làm hợp đồng thì nội dung cũng chỉ chung chung là cung cấp thông tin.

 

Cũng theo luật sư Chu Mạnh Cường, việc thành lập và hoạt động của các công ty thám tử tại Việt Nam hiện nay là trái với quy định của pháp luật và không được pháp luật thừa nhận. “Việc các công ty kinh doanh dịch vụ thám tử bị coi là hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 1 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Cũng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 185 thì hành vi kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi này còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”- luật sư Cường cho biết thêm.

Không những thế, luật sư Chu Mạnh Cường còn phân tích: Các công ty, văn phòng kinh doanh dịch vụ thám tử có thể bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự bởi đây là ngành nghề bị cấm kinh doanh. Ngoài ra, các thám tử tư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư điện tín, điện thoại của người khác theo Điều 125 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp các hành vi trên của thám tử tư gây ra các thiệt hại thì phải bồi thường theo Bộ luật Dân sự. Lãnh đạo và một số nhân viên của Công ty Việt Hồng (Hà Nội) vừa bị khởi tố về hành vi nghe lén 14.000 máy điện thoại là một minh chứng rõ nhất cho điều này.

Ông Cường cũng viện dẫn: Theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 thì thông tin riêng tư, bí mật của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập thông tin của cá nhân phải được người đó đồng ý (hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý), trừ trường hợp việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, hoạt động bí mật thu thập thông tin cá nhân của các thám tử tư là trái với quy định của pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bí mật đời tư của cá nhân.

Nếu người bị thu thập thông tin đời tư cá nhân có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm của thám tử tư và thiệt hại đã xảy ra thì có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự. Nếu người bị thu thập thông tin đời tư cá nhân có đủ chứng cứ để chứng minh thám tử tư có hành vi xâm phạm chỗ ở, xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của mình thì có thể tố cáo hành vi của thám tử tư đến cơ quan công an có thẩm quyền để được giải quyết.

     Quảng cáo rầm rộ

Tuy bị cấm kinh doanh và phải núp dưới dạng các công ty cung cấp dịch vụ thông tin nhưng ngược lại, các công ty này lại quảng cáo rầm rộ trên mạng về các dịch vụ thám tử của mình: Từ điều tra ngoại tình, theo dõi con cái tới điều tra các đối thủ cạnh tranh trong làm ăn kinh tế… Chỉ cần gõ từ khóa “dịch vụ thám tử” trên Google là sẽ cho ra gần 1,7 triệu kết quả. Trong đó, có tới hàng trăm trang web với các tên miền khác nhau được đặt làm trang chủ cho các văn phòng thám tử.