Dân Việt

Y tế thôn bản mong được tiếp sức

Lê San 22/07/2014 15:24 GMT+7
Đội ngũ y tế thôn bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng vì phụ cấp thấp lại không được chi trả kịp thời, nhiều y tế thôn bản (YTTB) chán nản hoặc có tư tưởng chuyển nghề khác…

Tiền ít, trách nhiệm cao

Chị Lò Thị Nhung (25 tuổi, người dân tộc Kháng, ở bản Hin 1, xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên) đã gắn bó với công việc bà đỡ thôn bản hơn 3 năm. Chị đã đỡ đẻ thành công cho 20 trường hợp sinh con tại nhà và tư vấn cho hơn 10 ca khó đẻ lên bệnh viện huyện sinh con an toàn. Nhưng vì phụ cấp thấp và “phập phù” nên cũng đã nhiều lần đến Trạm Y tế xã Na Sang xin nghỉ để vào làm công nhân cao su như bà con khác trong bản. Mỗi lần như vậy, chị lại được các nhân viên y tế ở trạm động viên và chị lại tiếp tục với nghề.

Chị Nhung tâm sự: Tôi không được ký hợp đồng chính thức như ở YTTB khác mà chỉ thỏa thuận miệng với Trạm Y tế xã Na Sang. Trước tháng 10.2013, tôi nhận được phụ cấp là 50.000 đồng/tháng. Từ 1.10.2013, phụ cấp được tăng lên 200.000 đồng/tháng. Mặc dù tôi biết theo Thông tư số 07/2013/TT-BYT, cô đỡ thôn bản được công nhận là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam, là một loại hình của nhân viên YTTB được hưởng phụ cấp theo quy định từ 1.5.2013. Theo đó mức phụ cấp tối thiểu là 300.000 đồng/tháng. Thế nhưng hiện nay tôi vẫn chỉ nhận được số phụ cấp là 200.000 đồng/tháng. Phụ cấp đã ít thế mà tôi vẫn phải “năm lần bảy lượt” tới trạm y tế mới nhận được số tiền này, trong khi phụ cấp thường được trả theo quý. Đã thế công việc lại vất vả, nhà dân trong thôn lại cách xa nhau, nhiều lần đang làm nương, hoặc đêm hôm, thấy người ta gọi con em họ đang đẻ rơi tại nhà, mình lại phải tất tả chạy đến đó hỗ trợ.

“Vợ chồng tôi mới ra ở riêng nên kinh tế hết sức khó khăn. Không có ruộng để cấy cày, nhà vẫn đi ở nhờ, mọi chi phí trong gia đình đều trông vào mấy nương ngô nhỏ và mấy đồng phụ cấp của mình. Phụ cấp không ổn định nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Nhiều lúc muốn bỏ nghề, nhưng nghĩ đến việc mình đã được Nhà nước đào tạo để về trợ giúp bà con dân bản nên lại không đành”- chị Nhung bùi ngùi.

Sự chậm trễ trong việc chi trả phụ cấp cho YTTB và phụ cấp cho cô đỡ thôn bản không chỉ diễn ra ở Mường Chà (Điện Biên) mà còn diễn ra ở nhiều địa phương và cả các tỉnh khác. Anh Triệu Văn Nảy ở bản Vằng Vạt, xã Thái Học, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) làm cán bộ YTTB đã hơn 4 năm, dưới hình thức hợp đồng năm một với trạm y tế xã. “Theo chế độ, tôi được hưởng phụ cấp là 525.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do hợp đồng luôn ký muộn nên tôi thường phải nhận lương theo quý, thậm chí là 2 quý mới được lấy 1 lần”- anh Nảy cho hay.

Chậm do chưa có ngân sách

Theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ nhân viên YTTB sẽ được hưởng chế độ phụ cấp mức 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung (từ hơn 300.000 -525.000 đồng/tháng) và trợ cấp thêm hàng tháng (nếu có) từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác; đồng thời được trang bị các thiết bị, dụng cụ y tế theo danh mục do Bộ Y tế quy định.

Quy định thì như vậy, nhưng trên thực tế khi thực hiện, nhiều tỉnh lại không đáp ứng được như mong đợi của đội ngũ YTTB. Giải thích về việc chậm chi trả phụ cấp và cô đỡ thôn bản chưa được nhận đúng theo phụ cấp mà Thông tư 07 của Bộ Y tế đã quy định cho chức danh YTTB, ông Triệu Đình Thành- Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết: Hiện tại, tỉnh Điện Biên đang áp dụng phụ cấp đúng như quy định của Bộ Y tế với mức 0,3-0,5% mức lương cơ bản đối với YTTB. Nhưng phụ cấp do Trung ương giao cho địa phương phải tự cân đối nên chưa kịp chi trả. Riêng cô đỡ thôn bản, tỉnh chưa cân đối được ngân sách để thực hiện. Nên chế độ chi trả cho cô đỡ thôn bản vẫn chưa được áp dụng.

  Theo báo cáo chưa đầy đủ từ 63 sở y tế, hiện cả nước có hơn 90.000 thôn bản, trong đó 70% thôn bản có nhân viên y tế. Thực tế mới chỉ có gần 1.500 cô đỡ thôn bản được đào tạo trong khi nhu cầu thực tế cần tới 12.000 người.