Đi dự hội nghị bằng xe của Tướng Đờ Cát
Ông Lê Danh (quê huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, năm nay đã 88 tuổi, có 68 năm tuổi Đảng) - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kể: "Đầu tháng 7.1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đang ở ATK thì nhận được lệnh triệu tập lên gặp Tướng Nguyễn Chí Thanh. Tới nơi, tôi được biết được cử cùng anh Đặng Tính sang gấp Thụy Sĩ dự Hội nghị Geneva".
"Lúc này tôi đang là cán bộ của Cục Địch vận. Theo yêu cầu, sang tới nơi tôi sẽ tường trình về vấn đề tù binh ở Điện Biên Phủ, còn anh Đặng Tính sẽ nói về chiến thắng ở Điện Biên trong hội nghị. Vì công việc rất gấp nên hai anh em được phép sử dụng ngay chiếc xe của Tướng Đờ Cát làm phương tiện đi lại. Chiếc xe còn rất mới và êm, chạy thẳng một lèo chúng tôi lên biên giới Việt - Trung. Tại Bằng Tường (Trung Quốc), chúng tôi được đón tiếp nồng nhiệt với tư thế của người chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Khi ấy, chúng tôi là 2 sĩ quan quân đội Việt Nam tuổi đời trẻ măng, quần áo còn sặc mùi thuốc súng..." - ông Danh nói tiếp.
"Từ Bằng Tường chúng tôi lên Bắc Kinh rồi sang Mátxcơva. Tới đâu hai anh em cũng được nhân dân hai nước chào đón như những người anh hùng. Tại Mátxcơva, Đại sứ Nguyễn Lương Bằng nói với chúng tôi: “Đây là cuộc họp quốc tế cấp cao, các anh không thể mặc bộ đồ này được”. Anh đưa chúng tôi ra cửa hàng để chọn những bộ comple đắt giá nhưng không có bộ nào vừa, tất cả đều quá khổ. Cuối cùng chúng tôi về sứ quán mượn tạm bộ com ple của nhân viên sứ quán rồi tiếp tục con đường sang Geneva..." - ông Danh hồi tưởng.
Tại Geneva, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, ông Danh được giao phụ trách lễ tân cho đồng chí Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vì trình độ tiếng Pháp của ông Danh khá.
Thời gian ở đây, ông Danh có những kỷ niệm tuyệt vời. Ông kể lần tiếp đại diện của Thủ tướng Ấn Độ Neru, ông ta không ăn con hai chân và con bốn chân nên cuối cùng chúng ta phải chiêu đãi món cá.
Đặc biệt nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Mendès France đến chào đồng chí Phạm Văn Đồng khi đã kết thúc hội nghị. Ông Danh mở chai sâm panh Nga mời khách. Vì không thạo nên ông hơi lúng túng khi mở.
Lúc đó Thủ tướng Pháp có hỏi một câu, không rõ là giễu cợt hay chân thành: “Các ông không hay dùng sâm panh à?”. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã nhanh chóng trả lời ý nhị: “Không, chúng tôi quen dùng loại này”.
Khẩu chiến trên bàn hội nghị
Tại Hội nghị ở Geneva, các phái đoàn của 9 bên tranh luận rất căng thẳng để đạt được quyền lợi của mình. Mỹ với việc chi tới 80% kinh phí cho chiến tranh ở Đông Dương cũng lên giọng đòi quyền lợi.
Phía Quốc gia Việt Nam cũng lép vế, hầu như không có tiếng nói trong hội nghị. Điều đặc biệt trong hội nghị này là lực lượng yêu nước của Lào và Campuchia đã không được tham dự với tư cách riêng cho nên họ đến dự hội nghị với hộ chiếu Việt Nam. Mỗi khi bàn vấn đề liên quan đến 2 nước này thì phái đoàn của ta lại hỏi ý kiến của họ.
Trong suốt 2 tuần đầu từ 18.5 đến 20.6.1954, hội nghị đã không có kết quả gì do lợi ích các bên không được thỏa mãn. Bắt đầu từ ngày 13.7, hội nghị chuyển sang lựa chọn vĩ tuyến để chia. Mới đầu phía ta yêu cầu lấy vĩ tuyến 13 làm ranh giới và phía Pháp đòi lấy vĩ tuyến 18.
Trong khi bàn bạc và xem xét các chi tiết cụ thể trên bản đồ thì đại diện phía ta là đại tá Hà Văn Lâu, phía Pháp là đại tá De Birbisson Michel. Khi cần ký những quyết định cụ thể thì thay mặt ta là Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu và phía Pháp là Tướng Delteil Herry.
Sau nhiều tranh cãi, ta đồng ý rút xuống vĩ tuyến 16 để giữ lấy Huế và Đà Nẵng nhưng cuối cùng Chu Ân Lai đã quay về Côn Minh thuyết phục lãnh đạo Việt Nam cho phép chọn vĩ tuyến 17.
Sau này trong hồi ký của Molotov có viết: “Ông Chu Ân Lai đã nói với tôi rằng các đồng chí Việt Nam đã kiệt sức cho nên họ cần phải ký để đảm bảo được thắng lợi”. Và như vậy, với sự ủng hộ của Molotov và đề nghị của Trung Quốc, giải pháp vĩ tuyến 17 đã được chọn.