Dân Việt

Từ vụ cầu thủ CLB Đồng Nai cá độ: Tiêu cực đã “ăn vào máu”

Chính Minh 23/07/2014 08:49 GMT+7
Chỉ trong khoảng hơn 3 tháng kể từ sau vụ một nhóm cầu thủ V.Ninh Bình dính tiêu cực ở AFC Cup, bóng đá Việt Nam (BĐVN) lại rúng động với việc 6 cầu thủ Đồng Nai bị C45 triệu tập điều tra nghi án bán độ, dàn xếp tỷ số ở V.League. Vì sao cầu thủ Việt Nam liên tục “dính chàm”?

Một điểm tương đồng từ vụ tiêu cực của một nhóm cầu thủ U23 tại SEA Games 2005 đến cú sốc mang tên V.Ninh Bình ở AFC Cup và gần nhất là câu chuyện Đồng Nai ở V.League là chắc chắn các cầu thủ đều cảm thấy kiếm được khoản tiền (bất chính) lớn khá dễ dàng, trong khi đội bóng lại gần như chẳng ảnh hưởng gì.

Câu hỏi đặt ra là liệu từ năm 2005 đến năm 2014, tính tới trước khi vụ tiêu cực ở V.Ninh Bình bị phanh phui, các cầu thủ Việt đã bán “êm” bao nhiêu trận? Chuyên gia lão làng Nguyễn Văn Vinh - người từng giữ vị trí Phó ban Tư vấn đạo đức VPF nói: “Tôi không hề bất ngờ khi các vụ tiêu cực liên tiếp được đưa ra ánh sáng. Tiêu cực đã ăn sâu vào “máu” BĐVN nhiều năm nay. Lỗi chính theo tôi thuộc về lãnh đạo các đội, các quan chức VFF. Chúng ta đều biết có tiêu cực nhưng không có ý thức tự giác, làm một cách kiên quyết để loại bỏ nó ra khỏi đời sống bóng đá nước nhà. Và lúc này, khi Ban chấp hành VFF khóa VII quyết làm một cuộc “cách mạng”, chống tiêu cực tận gốc, thì đương nhiên những “cây kim trong bọc” sẽ phải lòi ra thôi”.

Chia sẻ với ý kiến của ông Nguyễn Văn Vinh, bình luận viên Vũ Quang Huy nói: “Sau sự việc V.Ninh Bình dính tiêu cực, tôi đã cho rằng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Và việc VFF tiếp tục làm vụ Đồng Nai đã cho thấy quyết tâm chống tiêu cực tận gốc. Nếu như những năm trước, chúng ta quyết tâm làm như hiện nay thì chắc chắn tiêu cực đã giảm thiểu. Các cầu thủ cũng không dám đua nhau làm liều”.

Dưới góc nhìn của một cựu tuyển thủ từng “dính chàm” ở SEA Games 2005, Quốc Vượng đưa ra cách lý giải việc các cầu thủ “thi nhau” bán độ: “Không chỉ cầu thủ bóng đá, mà ở mọi ngành nghề, mỗi người đều phải đối diện với cám dỗ của đồng tiền. Thực tế, các cầu thủ vẫn ngang nhiên nói chuyện về cờ bạc, chơi cờ bạc, cá độ bởi họ nhận thấy việc này là rất… bình thường trong xã hội hiện nay. Chỉ khi bị cơ quan công an bắt vì tiêu cực, vì đánh bạc thì hối hận nhưng đã muộn”.

Quốc Vượng thừa nhận thu nhập của cầu thủ thời của anh và hiện nay là cao so với mặt bằng xã hội: “Những cầu thủ biết thế nào là đủ thì họ sẽ có một cuộc sống thoải mái. Bản thân tôi lúc này làm nhân viên của Công ty Du lịch Văn Minh, lương tháng 5-6 triệu đồng nhưng tôi thấy hạnh phúc với điều đó. Nhưng trước đây, tôi nào có nghĩ được như thế. Đời cầu thủ kiếm được nhiều tiền thì tiêu còn nhiều hơn vào những thú vui hậu trường. Chuyện nợ nần là thường xuyên, tiền đến với mình dễ bao nhiêu thì ra đi càng dễ bấy nhiêu” - Vượng bộc bạch.

Theo Quốc Vượng, tất cả vấn đề nằm ở nhận thức của cầu thủ. Mà nhận thức của cầu thủ từ đâu ra nếu không phải nhìn vào tấm gương, cách hành xử của các huấn luyện viên, giám sát, trọng tài, các chú, các bác lãnh đạo từ cấp câu lạc bộ đến VFF: “BĐVN nếu muốn phát triển thì phải nghiêm túc làm lại, giáo dục đạo đức cho lứa cầu thủ trẻ, để cho ra lò một lứa cầu thủ khác, chững chạc hơn về cả chuyên môn lẫn nhận thức, cách ứng xử có văn hóa cả trong và ngoài sân cỏ so với thế hệ chúng tôi”.

   Bắt khẩn cấp 6 cầu thủ 

Chiều 22.7, Cục CSHS -  Bộ Công an) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với 6 cầu thủ của CLB bóng đá Đồng Nai do liên quan đến các hành vi tiêu cực. Các cầu CLB Đồng Nai bị bắt gồm: Nguyễn Đức Thiện, Phan Lưu Thế Sơn, Nguyễn Thành Long Giang, Hà Niệm Tiến, Đinh Kiên Trung và đội trưởng Phạm Hữu Phát. 
Thắng Quang - Lương Kết

Theo phân tích của thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục CSHS (Bộ Công an), tài liệu thu thập bước đầu cho thấy nhóm cầu thủ tại Đồng Nai bị Phạm Hữu Phát lôi kéo, tổ chức bán độ, dàn xếp tỉ số. Ở đây có thể thấy dấu hiệu phạm tội là các cầu thủ đã nhận hối lộ để đồng ý bán với tỉ số đấy (thua cách biệt 2 bàn) và như vậy Phạm Hữu Phát sẽ bị xem xét về hành vi “đưa hối lộ”. 

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), tội danh nhận hối lộ có mức án nhẹ nhất là 2 năm và nặng nhất là chung thân hoặc tử hình (của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác). Còn tội đưa hối lộ nhẹ nhất là 1 năm tù, nặng là chung thân. Với tội đánh bạc án nặng nhất là 7 năm tù, còn tổ chức đánh bạc án nặng nhất là 10 năm tù. 
Ngọc Lương