Trông chờ ở rừng
Phát biểu tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Tổng diện tích rừng cả nước hiện trên 13,8 triệu ha. Độ che phủ rừng đạt 39,7%. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã trồng được 75.039ha rừng. Thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, trong 5 năm (2006 - 2011) diện tích rừng cả nước tăng 0,78 triệu ha, độ che phủ tăng 2,5% (trung bình tăng 0,5 %/năm).
Đến năm 2010 đã có gần 1,25 triệu hộ gia đình với 4,65 triệu lao động tham gia dự án, trong đó có gần 485.000 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao có việc làm. Rừng đã đóng góp tích cực vào phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Việt Nam được thế giới đánh giá đứng thứ 6 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Tỏ rõ sự quan ngại này, các đại biểu tham dự diễn đàn đều cho rằng: BĐKH làm thay đổi khả năng thích nghi của các đối tượng nông nghiệp với điều kiện thời tiết khí hậu; thay đổi cơ cấu mùa vụ; gia tăng sâu bệnh; giảm năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi; làm suy thoái tài nguyên đất; tăng thêm nguy cơ diệt chủng của một số loài thực vật hoặc làm biến mất các nguồn gene quý hiếm. Một trong những giải pháp cấp bách nhất lúc này là phát triền rừng bền vững.
Chia sẻ quyết tâm với mục tiêu của diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ: Hiện diện tích đất lâm nghiệp có rừng tại tỉnh khoảng 600.000ha, độ che phủ chiếm 60,3%. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng hiện có, giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Đến năm 2014, toàn tỉnh trồng trên 70.000ha rừng, hàng năm trồng trên 1 triệu cây xanh... Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều thách thức, cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là vấn đề trồng rừng thay thế. Tỉnh Lâm Đồng cam kết tiếp tục huy động mọi nguồn lực vào phát triển rừng góp phần giảm thiểu BĐKH trong khu vực và cả nước.
Mô hình quản lý rừng gắn với cộng đồng
“Phát triển rừng gắn với cộng đồng là thắng”- đó là khẳng định rất tâm huyết của nông dân trồng rừng TouNeh Thanh đến từ thôn TaLy 2, xã Ta Đo, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Anh chia sẻ: Là một trong 8 hộ tham gia mô hình quản lý rừng gắn với cộng đồng, từ năm 2013, chúng tôi được Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh cho tham gia lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình trồng cây mây, cây dây hương và hỗ trợ 100% giống, vật tư.
Ngày 18.7, chúng tôi bắt đầu triển khai trồng và thấy rất tin tưởng, phấn khởi với chủ trương này. Để cho dân chúng tôi quyết tâm gắn bó với nghề rừng, Nhà nước cần hỗ trợ tăng diện tích trồng thử nghiệm từ 1,5 mẫu lên 2-3 mẫu và có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay tại Lâm Đồng mô hình giao đất giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng đã được triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả khả quan. Như nhóm cộng đồng thôn Kala Tơnggu (196 hộ) được giao rừng chia thành 4 tổ, mỗi tổ gồm 10 nhóm (4-5 người/nhóm); cộng đồng thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng gồm trưởng ban, phó ban, thư ký kiêm kế toán và các thành viên là các tổ trưởng.
Hàng ngày các nhóm đi tuần tra bảo vệ rừng theo kế hoạch và phân công của tổ trưởng hay nhóm cộng đồng 36 hộ tại xã Ka Đô (huyện Đơn Dương) nhận khoán bảo vệ 750ha rừng...
Phát biểu kết luận diễn đàn, TS Phan Huy Thông khẳng định: Phát triển rừng bền vững là yêu cầu lâu dài; lợi ích về môi trường, xã hội, kinh tế từ rừng đem lại là rất lớn góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu của BĐKH. Làm sao để giữ được rừng, làm sao để người dân sống gần rừng gắn bó với rừng, tham gia quản lý bảo vệ rừng cũng như thu được những lợi ích từ rừng?
Phương thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng đã được hình thành và trả lời cho câu hỏi trên. Chúng ta cần quy hoạch, rà soát, phân loại rừng để có cơ chế trồng loại gì cho phù hợp; giao khoán cho hợp lý; liên kết giữa người trồng và thu mua chế biến sao cho hiệu quả nhất. Trong đó vấn đề quan trọng nhất là nguồn lực đầu tư và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người trồng rừng.